Ngày 12-8, lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết đã nhận được báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh của Báo Người Lao Động trong loạt bài điều tra "Bí mật sau những chuyến xe chở cây rừng ở Quảng Trị".
Qua kiểm tra, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa xác định thông tin phản ánh của Báo Người Lao Động là có căn cứ. Cụ thể, tại hiện trường có 16 vị trí/42 cây bị đào bới, trong đó có 4 cây (đã bị lấy đi) nằm trong quy hoạch 3 loại rừng, thuộc quy hoạch sản xuất và 38 cây (3 cây còn tại hiện trường) nằm ngoài quy hoạch.
Ngoài ra còn có khoảng 3 ster củi bị cắt từ "một số cây sau sau" được tập kết để chờ vận chuyển. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa, vị trí cây bị đào, bới và cưa hạ đều thuộc ranh giới bảo vệ lòng hồ thủy lợi - thủy điện Quảng Trị. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tại hiện trường có nhiều khu vực với hàng loạt cây từ nhỏ đến lớn bị triệt hạ tận gốc, không phải như báo cáo nêu là chỉ "một số cây sau sau". Cụ thể, tọa độ các khu vực cây bị cưa hạ gồm: E00547859 - N01847638, E00547948 - N01847655, E00547943 - N01847667, E00548307 - N01847586, E00548447 - N01847657...
Cũng theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa, để bảo vệ cây tự nhiên tái sinh, cơ quan chức năng đã triển khai một số giải pháp như cử lực lượng bảo vệ; trồng lại những cây chưa vận chuyển; thu hồi, tạm giữ toàn bộ số củi... Hạt Kiểm lâm huyện sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục điều tra, xác minh các hành vi vi phạm theo phản ánh của Báo Người Lao Động. Dự kiến hôm nay, 13-8, sẽ làm việc với đại diện nhà xe Hồ Đạt, chủ xe cẩu mang BKS 74C-120...
Liên quan trách nhiệm quản lý cây, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị, khẳng định công ty không được giao quản lý số cây tự nhiên tái sinh trong hành lang bảo vệ lòng hồ. "Việc này thiết nghĩ do địa phương và lực lượng kiểm lâm phụ trách" - ông Hùng nêu quan điểm và nói thêm rằng "việc cây trong hành lang bảo vệ hồ chứa đã đi vào vận hành bị đào bứng, cưa hạ trái phép là không thể chấp nhận được!".
Theo ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, quan điểm của UBND huyện là đất giao cho đơn vị nào quản lý thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên. "Cơ quan công an sẽ điều tra, xử lý các đối tượng phá hoại cây. Còn trách nhiệm quản lý, báo cáo trước tiên phải thuộc về người quản lý đất" - ông Thuận nhấn mạnh.
Trong khi đó, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho hay đến nay vẫn chưa thống nhất đơn vị nào quản lý diện tích cây tự nhiên tái sinh trong hành lang bảo vệ hồ chứa. Trước đó, trả lời câu hỏi phía kiểm lâm có quản lý diện tích cây nói trên hay không, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa nói: "Không!".
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh dù cây tái sinh, cây tự nhiên hay cây trồng thì các cấp chính quyền đều phải có trách nhiệm quản lý, đơn vị chủ quản phải chịu trách nhiệm. Ông sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cùng UBND huyện Hướng Hóa kiểm tra, quy chủ và có biện pháp chấn chỉnh.
Cơ quan thuế sẽ kiểm tra
Sau khi tiếp nhận thông tin về việc chủ cửa hàng ở TP Đà Nẵng nghi xuất hóa đơn khống bán 40 cây sau sau cho hộ kinh doanh H.Q.V (xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa), một lãnh đạo Chi cục Thuế huyện Hướng Hóa cho biết đơn vị sẽ kiểm tra, xác minh cụ thể trường hợp này. Nếu đúng như phản ánh, cơ quan thuế sẽ có biện pháp xử lý theo quy định.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, Giám đốc Công ty Luật TNHH ATG - chỉ rõ hành vi không trực tiếp bán hàng nhưng vẫn xuất hóa đơn là hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ khống. Nghị định 125/2020 của Chính phủ quy định phạt tiền 20 - 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp và buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.
H.Định
Bình luận (0)