Anh Lê Anh, người sáng lập kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia, chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này:
Thị trường Tết rất quan trọng, không chỉ đóng góp doanh thu mà còn là dịp bán sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, đồng thời tiếp cận được nhóm khách hàng mới, biến họ trở thành khách hàng trung thành.
Trước hết, đây là dịch vụ cung cấp giải pháp về quà tặng Tết cho đối tác chứ không phải là bán hàng đơn thuần. DN phải tư vấn được cho khách hàng những phần quà tốt nhất trong một gói ngân sách cố định. Do đó, DN cần đầu tư cho bộ phận thiết kế nhằm có nhiều thiết kế riêng để khách hàng lựa chọn, bao gồm thông điệp, logo, mẫu mã riêng…
Nhìn chung, các sản phẩm có nhu cầu cao trong dịp Tết đều có thể tham gia thị trường này. Lưu ý, người tiêu dùng ngày càng bận rộn nên ưu tiên chọn các sản phẩm quà Tết tiện lợi nhưng an lành, tự nhiên, để Tết được thảnh thơi, không vất vả chuẩn bị như trước.
Ngoài quà Tết do công ty sản xuất, có thể sử dụng sản phẩm của DN khác có cùng phân khúc để đa dạng hóa mẫu quà tặng theo nhu cầu đối tác. Hiện nay, để cung cấp quà Tết số lượng lớn (500 suất trở lên) đều phải qua đấu thầu nên DN cần chuẩn bị hồ sơ từ sớm.
Ngoài các giấy tờ cần thiết, nếu sản phẩm có chứng nhận OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") sẽ được bên mua ưu tiên. Bởi lẽ, đây là các sản phẩm không chỉ chất lượng tốt mà còn gắn với ý nghĩa xã hội, nhân văn, bảo vệ văn hóa truyền thống. Do đó, DN khởi nghiệp cần chú ý để có lợi thế trong đấu thầu.
Đối với các phần quà sẵn để bán lẻ hoặc bán cho khách số lượng ít, DN cần chú ý thiết kế bao bì "tùy biến", tức có thể thay đổi thành phần bên trong theo yêu cầu. Các bao bì này mang thông điệp và không khí Tết nhưng không nên in cụ thể về năm, linh vật để không phải xử lý sau đó nếu tồn đọng.
Chất lượng sản phẩm là điều bắt buộc. Ngoài ra, bao bì là yếu tố rất quan trọng với thị trường quà Tết. Phải làm sao để khi cầm sản phẩm lên, khách hàng cảm thấy tự tin về hình thức để tặng người thân, bạn bè, đối tác.
Bình luận (0)