Trải qua kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm với không ít những thay đổi trong nếp sinh hoạt có thể khiến nhiều người cảm thấy "oải" khi trở lại với quỹ đạo công việc.
Một vài gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng "sạc pin" cho cơ thể sau những ngày dài nghỉ Tết, sẵn sàng cho một năm mới với nhiều kế hoạch, dự định hanh thông, thuận lợi.
Ngủ đủ giấc
Nghỉ Tết không thể tránh khỏi việc thức khuya, ngủ nướng, thường xuyên di chuyển, chơi thâu đêm.... Thói quen sinh hoạt này có thể khiến cơ thể tiêu hao nhiều sức lực, mệt mỏi, uể oải khi kết thúc kỳ nghỉ lễ.
Do đó, bác sĩ khuyên trước ngày quay lại làm việc, nên sắp xếp một đến hai ngày trước đó để nghỉ ngơi tại nhà. Điều này cho phép bạn có thêm thời gian để "hòa nhịp" trở lại với thói quen cuộc sống ngày thường.
Ngủ sớm, ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể lấy lại năng lượng và sự hồi phục sức lực, tỉnh táo, cũng như tạo sự hứng khởi khi bắt tay vào công việc sau Tết Nguyên đán 2024.
Kiểm tra lại công việc, email
Kiểm tra các tin nhắn, email, công việc, bài vở cần phải làm và sắp xếp lại các công việc cần giải quyết trong thời gian tới. Hãy thực hiện chúng trong tâm trạng thật thoải mái và không phải vội vã.
Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh thường ngày
Đối với nhiều người, những ngày lễ, Tết là thời điểm để nuông chiều bản thân khi liên tục gắn liền với những bữa ăn giàu đạm, "nạp" vào cơ thể các món ăn nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn, nhiều đường...
Để nhanh chóng lấy lại năng lượng cho năm mới, hãy thực hiện các chế độ ăn lành mạnh. Mỗi ngày nên cung cấp cho cơ thể 1,5 lít nước để bù đắp lượng nước cần thiết và giúp cơ thể giải tỏa mệt mỏi.
Thực hiện chế độ ăn uống nhiều rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ (các loại đậu xanh, đậu đỏ, đậu que, đậu đũa, bắp cải, cà rốt, su hào...), ăn thêm các thức ăn dễ tiêu hoá.
Bổ sung các thực phẩm ít béo được xếp vào nhóm ngũ cốc tốt cho sức khỏe (gạo lức, lúa mạch, khoai, ngô, đậu, đậu phụ…). Hạn chế đồ chiên, rán dầu mỡ; tránh lạm dụng rượu bia.
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết để cân bằng hệ tiêu hoá, ngoài việc ăn cân đối đủ các nhóm thực phẩm: đạm, chất béo, chất xơ có trong rau xanh, quả chín, cũng nên sử dụng sữa chua để cải thiện hệ vi sinh đường ruột, giảm tình trạng rối loạn tiêu hoá.
Dọn dẹp nhà cửa
Trang hoàng nhà cửa, bày biện đồ đạc để đón khách dịp Tết là việc làm không thể thiếu để vừa thể hiện sự đủ đầy, cũng như sự tôn trọng và mến khách của gia chủ.
Kỳ nghỉ đã kết thúc, rất cần lên cót tinh thần sẵn sàng làm việc. Bởi vậy, việc dọn dẹp, thu dọn nhà cửa và cất đi những đồ dùng không cần thiết sẽ giúp nhà cửa được sạch sẽ, gọn gàng. Khi đó bạn sẽ có cảm giác cuộc sống thường ngày, giúp lấy lại tinh thần làm việc hăng say trở lại.
Vận động cơ thể
Cách giữ gìn sức khỏe và chống căng thẳng lâu dài là vận động cơ thể. Các bác sĩ cho rằng, việc tập luyện thể dục thường xuyên sẽ thúc đẩy quá trình tiêu thụ năng lượng được hấp thu quá nhiều trong những ngày Tết, đồng thời giúp cơ thể năng động hơn, tỉnh táo hơn, cải thiện hệ tiêu hóa.
Mỗi ngày nên dành 30 phút để luyện tập môn thể thao phù hợp với sức khỏe. Đối với người già hoặc người có bệnh tim mạch nên vận động nhẹ, đi bộ, thực hành một vài động tác giãn cơ...
Kiểm tra sức khỏe sau Tết
Chế độ ăn uống bất thường, thả ga, ít vận động và giờ giấc sinh hoạt đảo lộn là những yếu tố đe dọa sức khỏe, nhất là các bệnh lý mạn tính như đường máu, mỡ máu, men gan, huyết áp cao... Khi thấy bất thường nên đi khám ngay.
Ngoài ra, các bệnh lý xương khớp, hen suyễn, dạ dày, ung thư, tim mạch cũng là những bệnh lý mạn tính diễn biến thầm lặng, người dân cần tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để sức khỏe được kiểm soát tốt nhất.
Bình luận (0)