Sáng 27-12, TAND TP HCM tổ chức Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai công tác năm 2024 của TAND hai cấp TP HCM.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP HCM, cho biết trong năm 2023, công tác xét xử tại TAND hai cấp TP HCM đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra.
Cụ thể, TAND hai cấp thụ lý 67.685 vụ việc, giải quyết 58.183 vụ việc, đạt 85,96%. Tổng tỉ lệ án hủy, sửa do lỗi chủ quan là 0,15%, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội đề ra là 1,5%.
So với cùng kỳ năm 2022, số vụ việc thụ lý giảm 688 vụ việc, giải quyết tăng 3.424 vụ việc, tỉ lệ giải quyết tăng 7%, tỉ lệ án hủy sửa do nguyên nhân chủ quan giảm 0,15%.
Nhìn chung các vụ án được đưa ra xét xử kịp thời, đúng pháp luật, được dư luận, nhân dân ủng hộ.
TAND TP HCM đã thụ lý, giải quyết một số vụ án nổi cộm như các tội phạm về tham nhũng, chức vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương và TP HCM theo dõi, chỉ đạo.
Các vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Vụ án Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền"; vụ án Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân"...
Đặc biệt, công tác giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được TAND hai cấp TP giải quyết đảm bảo đúng pháp luật, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của đương sự.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác trong thời gian qua của TAND hai cấp TP HCM.
Trong giải quyết các loại án, Chánh án TAND Tối cao đánh giá cao việc TAND TP HCM là đơn vị duy nhất giải quyết được nhiều án phá sản - loại án khó hiện nay.
"Luật phá sản là điều được quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, để đảm bảo rằng khi có tình huống rủi ro thì tài sản của họ không bị mất. Trong tương lai, nếu Luật Tổ chức của tòa án được thông qua, chúng ta sẽ có thêm tòa án chuyên biệt về phá sản. Khi đó, những kinh nghiệm của TP HCM sẽ là kinh nghiệm áp dụng trên cả nước" - lãnh đạo TAND Tối cao thông tin.
Chánh án TAND Tối cao đánh giá cao một điểm sáng khác của TAND TP HCM là kết quả công tác xét xử các vụ án tham nhũng lớn.
"Hà Nội và TP HCM là 2 địa phương được ủy quyền xét xử các vụ án tham nhũng lớn do Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo. TP HCM đưa ra xét xử rất nghiêm túc, đúng người, đúng tội, bản án nghiêm khắc, đúng thời hạn, nhân văn. Tuy nhiên, đội ngũ có khả năng xét xử những vụ án này còn tập trung vào một vài cá nhân. Chúng ta cố gắng đào tạo thêm đội ngũ này" - Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã chỉ ra đặc điểm tình hình và dự báo những thách thức, cơ hội của TP HCM nói chung và ngành bảo vệ pháp luật nói riêng, trong đó có ngành tòa án, trong năm 2024.
Bí thư Thành ủy TP chia sẻ nhìn lại năm 2023, bối cảnh chung thế giới biến động, kinh tế tài chính khủng hoảng, xung đột, biến đổi khí hậu… đã ảnh hưởng không nhỏ đến đất nước nói chung và TP HCM nói riêng. TP đang trong quá trình khắc phục hậu quả, xử lý những tồn đọng do dịch bệnh COVID-19 gây ra thì những phát sinh mới rất quan trọng.
Sự phát triển về khoa học công nghệ bên cạnh là thành tựu của xã hội loài người cũng tạo ra những mặt trái. Giá trị xã hội có dấu hiệu thay đổi cách nhìn, cách đánh giá; nhiều giá trị trở nên mơ hồ, thậm chí còn tạo ra tranh cãi.
Những điều này tác động bên ngoài lẫn bên trong, tạo nên những thử thách lớn đối với đất nước nói chung và TP HCM nói riêng, đặc biệt là cơ quan xét xử.
Bí thư Thành ủy TP đánh giá cao ý thức của từng cán bộ, lãnh đạo ngành tòa án trong quán triệt sâu sắc, thấu đáo, nhuần nhuyễn về trách nhiệm của mình trên từng cương vị. Trong đó, đội ngũ cán bộ ngành tòa án hiện nay tại TP HCM đều vững về pháp luật, giỏi về chuyên môn, có kỹ năng.
Ngoài xét xử, lãnh đạo TP nhận định công tác hòa giải cũng có vai trò rất lớn.
Bí thư Thành ủy TP bày tỏ trăn trở về áp lực quá tải và rủi ro trong công tác xét xử, đặc biệt là các vụ án khó, phức tạp, mới. Tuy nhiên, lãnh đạo TP nhìn nhận nhiều vụ án có tội phạm mới, phức tạp… trong bối cảnh hiện nay đã được TAND TP HCM xử lý tốt.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh việc xác định trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của mỗi thẩm phán để từ đó nâng cao vị thế của tòa án. Ông cũng gợi ý TAND hai cấp TP HCM nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho ngành phù hợp tình hình, đặc điểm, đảm bảo động viên cho lực lượng tiếp tục công hiến.
Chánh án TAND TP HCM Lê Thanh Phong cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu 5 vấn đề cốt lõi mà Bí thư Thành ủy TP HCM đã đặt ra trong hội nghị và bổ sung vào nghị quyết để lãnh đạo, thực hiện tốt công tác năm 2024.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết trong 15 đơn vị có số lượng xét xử trực tuyến hàng đầu cả nước, TP HCM có 6 đơn vị.
Cụ thể là TAND quận Bình Tân (724 vụ), TAND huyện Bình Chánh (635 vụ), TAND TP HCM (433 vụ), TAND quận Gò Vấp (283 vụ), TAND huyện Nhà Bè (117 vụ), TAND quận 3 (108 vụ).
Bình luận (0)