Tại TP HCM, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành tại Hội trường Thống Nhất (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1), cùng thời gian với lễ viếng ở thủ đô Hà Nội.
Tri ân công lao to lớn
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM, cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nghỉ hưu tại TP HCM, các nguyên lãnh đạo TP HCM đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong sổ tang, tập thể Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM bày tỏ tri ân những công lao to lớn mà Tổng Bí thư đã cống hiến và để lại. TP HCM luôn nhớ mãi hình ảnh một người vô cùng giản dị, khiêm nhường, nghị lực phi thường; một nhân cách lớn; một cán bộ, đảng viên mẫu mực, kiên trung, bất khuất; một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, quả cảm; một tấm gương tiêu biểu trong học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, suốt đời vì nước, vì dân, tận tụy, tận tâm, tận lực, tận hiến.
Ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM - cho biết những ngày qua, hay tin Tổng Bí thư từ trần, cán bộ, đảng viên, nhân dân TP HCM rất đau buồn, thương tiếc và bày tỏ lòng quý trọng với những công lao, đóng góp to lớn của Tổng Bí thư.
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM sẽ tổ chức chu đáo lễ viếng, lễ truy điệu Tổng Bí thư. Thời gian tới, TP HCM sẽ tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ; Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
TP HCM sẽ nghiên cứu, triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm biến những tư tưởng, tình cảm của Tổng Bí thư thông qua các đề án trở thành hiện thực; để TP HCM trở thành động lực, là đầu tàu kinh tế của cả nước, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Kính viếng tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) - chia sẻ: Những thành tựu mà Tổng Bí thư để lại là định hướng, dìu dắt đất nước trong suốt thời gian qua.
Trong quá trình lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã có 2 lần Luật Hợp tác xã được điều chỉnh. Đó là Luật Hợp tác xã 2013 và Luật Hợp tác xã 2023 - có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Chính sự thay đổi này đã tạo điều kiện cho Saigon Co.op nói riêng và tổ chức hợp tác xã nói chung trở thành nền tảng quan trọng của kinh tế tập thể, và có nhiều đóng góp cho nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Tổng Bí thư đã cống hiến vì dân, vì nước và làm việc cho đến giây phút cuối cùng. Hình ảnh của ông, những nền tảng ông để lại khiến tôi và nhiều doanh nhân phải nhìn vào đó để soi rọi lại mình. Tôi đã thu thập những lời dạy, những câu giáo huấn của Tổng Bí thư thành sổ tay và lấy đó làm cẩm nang cho cuộc sống cũng như việc điều hành tổ chức của mình" - ông Đức chia sẻ thêm.
Nhớ mãi những lần Tổng Bí thư đến thăm, làm việc
Có mặt tại lễ viếng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "bác Trọng" đầy thân thương, tình cảm.
Ông Lê Văn Hẳn cho biết tỉnh Trà Vinh đã vinh dự được Tổng Bí thư đến thăm 2 lần vào tháng 12-2008 và tháng 3-2015. Lần nào thăm Trà Vinh, Tổng Bí thư cũng đến tận các vùng sâu, vùng xa, thăm các hộ nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, đại diện các tôn giáo và dành nhiều thời gian để làm việc với lãnh đạo tỉnh. "Đến nay, kinh tế - xã hội của Trà Vinh ngày càng phát triển. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh quyết tâm thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Bí thư" - ông Hẳn thông tin.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến cũng gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "bác Trọng". Ông Huyến nhớ như in những ngày Tổng Bí thư về thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang. Tại đây, Tổng Bí thư đã đến thăm những cánh đồng, những mô hình phát triển kinh tế; chia sẻ, trao đổi, định hướng cho Hậu Giang phát triển.
Đáng chú ý, sau khi triển khai Nghị quyết 13/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư đã dành thời gian tiếp lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang. Tổng Bí thư căn dặn, chỉ đạo Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang đoàn kết, thống nhất, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng. "Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hậu Giang đã quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư. Nhờ vậy, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của Hậu Giang ở tốp đầu của khu vực ĐBSCL và cả nước; năm 2023 vươn lên tốp 2 cả nước" - ông Huyến cho biết.
Xếp hàng, đội mưa chờ viếng
Cùng bạn đội mưa đến lễ viếng, bà Nguyễn Thị Phương (ngụ quận 3, TP HCM) bày tỏ lòng kính phục Tổng Bí thư - nhà lãnh đạo lỗi lạc, luôn vì nhân dân, vì đất nước. "Dù trời mưa lớn nhưng với lòng kính trọng và biết ơn Tổng Bí thư, chúng tôi vẫn xếp hàng và mong được vào viếng ông" - bà Phương nghẹn ngào.
Bà Đoàn Bích Phượng cùng chồng từ tỉnh Sóc Trăng lên TP HCM để khám bệnh thì nghe tin thành phố tổ chức lễ viếng Tổng Bí thư. Từ sáng sớm, bà đã đến Hội trường Thống Nhất để tham gia lễ viếng. "Chỉ được thấy Tổng Bí thư trên truyền hình nhưng tôi cảm nhận ông là người tài - đức vẹn toàn, hết mình vì nước, vì dân" - bà Phượng xúc động.
Không cầm được nước mắt khi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Thị Thúy Hồng (TP HCM) nhiều lần phải tạm dừng bút khi ghi sổ tang, gạt những giọt nước mắt lăn dài trên má. "Con vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư. Bác Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến cho đất nước, cho nhân dân" - bà viết trong sổ tang.
Nhiều hoạt động tưởng niệm
Cùng ngày, trên địa bàn TP HCM đã diễn ra nhiều hoạt động tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM, Thành Đoàn tổ chức "Không gian Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng mãi trong lòng tuổi trẻ TP HCM". Không gian này trưng bày hình ảnh hoạt động của Tổng Bí thư qua các thời kỳ và lĩnh vực; những câu nói; những cuốn sách của Tổng Bí thư cùng các bài phát biểu và những diễn đàn mà ông từng tham gia. Không gian còn có kho dữ liệu mở về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chùa Kiều Đàm (TP Thủ Đức), chùa Ấn Quang (quận 10), chùa Quang Minh (quận 7)... và nhiều cơ sở tôn giáo trên địa bàn TP HCM cũng tổ chức tưởng niệm Tổng Bí thư.
Trường Sa treo cờ rủ Quốc tang
Đúng 7 giờ sáng 25-7, các đơn vị đóng quân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đồng loạt tổ chức treo cờ rủ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thượng tá Nguyễn Duy Bá, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, cho biết cán bộ, chiến sĩ các đơn vị duy trì việc trực sẵn sàng để bảo vệ lễ Quốc tang Tổng Bí thư; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo thượng tá Phạm Tiến Điệp - Chính trị viên đảo Trường Sa, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân - cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa luôn trân trọng, khắc ghi những tình cảm và sự yêu thương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Biến đau thương thành hành động, tập thể cán bộ, chiến sĩ Trường Sa hứa sẽ đoàn kết, đồng lòng, nêu cao tinh thần cảnh giác; ra sức học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thắng lợi trong mọi tình huống; quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vững vàng nơi đầu sóng; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền...
Từ Nhà giàn DK1/9, đại úy - Chính trị viên Đồng Xuân Phong xúc động: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người rất uyên bác, cả cuộc đời tận tụy, cống hiến cho Đảng, cho dân tộc, đất nước. Tổng Bí thư đã sống một cuộc đời thanh bạch, liêm chính, giản dị và luôn gần dân".
N.Hưởng
Bình luận (0)