Bàn thua thứ hai trước Ghana là do sai lầm mất bóng của đội trưởng P. Lahm, người được HLV J. Loew bố trí chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự như tại Bayern Munich của đồng nghiệp J. Guardiola. Tuy nhiên, đây là hệ quả của việc ban huấn luyện và cầu thủ Đức có phần bất ngờ khi đội bóng châu Phi quyết định tăng tốc, đẩy “cỗ xe tăng” vào cuộc đua thể lực trong thời tiết nóng ẩm ở Brazil. Nếu A. Ayew chuyền ngang cho Gyan thay vì tự dứt điểm, Ghana có thể đã nâng tỉ số lên 3-1 trước khi bị M. Klose gỡ hòa 2-2 ở phút 71.
Nếu có một thủ lĩnh đầy cá tính như O. Kahn, S. Effenberg hoặc M. Ballack để chỉ huy đồng đội trên sân, đội Đức sẽ không bị rơi vào tình thế lúng túng như đầu và giữa hiệp thứ nhì. Trước trận, tiền vệ Kevin Boateng của Ghana nhắc lại điều này và nhiều người cho rằng việc thiếu một thủ lĩnh cũng khiến đội Đức đánh mất bản lĩnh vượt khó ở thời điểm quan trọng trong 4 giải gần đây: Chơi tốc độ, kỹ thuật, cống hiến hơn nhưng chỉ một lần vào chung kết rồi hạng nhì (Euro 2008), còn không thì đều dừng bước tại bán kết (World Cup 2006, 2010 và Euro 2012). Trận hòa Thụy Điển 4-4 trên sân nhà sau khi dẫn trước 4-0 tại vòng loại cúp thế giới 2014 cũng là một ví dụ.
Thật ra, Kevin Boateng từng là thủ lĩnh của đội U21 Đức nhưng khi LĐBĐ nước này muốn tạo hình ảnh về lứa cầu thủ tài năng, không nổi loạn, tiền vệ này đã chuyển sang khoác áo đội tuyển quốc gia Ghana thay vì tiếp tục chọn Đức như em cùng cha khác mẹ Jerome Boateng.
Trận hòa Ghana khiến Đức phải cần 1 điểm nữa trước Mỹ ở lượt cuối mới chắc suất vào vòng 1/8. Dù sao, Ghana đã giúp HLV Loew và cộng sự thấy được khiếm khuyết trong lối chơi: Các hậu vệ không giỏi trong tình huống một đối một, đặc biệt ở biên và tiền vệ cần dứt điểm tốt hơn khi đội chơi với sơ đồ tiền đạo ảo.
Tuy nhiên, Đức vẫn là đội bóng đáng sợ với dàn dự bị đáng mơ ước, hàng thủ hỗ trợ tấn công rất tốt (2 bàn từ các tình huống cố định) và siêu dự bị M. Klose với bàn thứ 15 tại cúp thế giới, cân bằng kỷ lục của Ronaldo (béo).
Bình luận (0)