Nhìn hình ảnh các cầu thủ Brazil quỳ sụp xuống sân, miệng liên tục cầu nguyện, ánh mắt hoảng loạn, các bình luận viên khắp thế giới đã phải thốt lên những cụm từ “tàn nhẫn”, “lạnh lùng” dành cho người Đức. Họ khiến cả đất nước Brazil câm lặng, nhiều giọt nước mắt đã lăn, còn chiếc cúp vàng như chỉ đợi ngày giờ lên máy bay theo chân thầy trò Joachim Loew về nước. Người ta càng không nghĩ rằng lối chơi tiki-taka thống trị bóng đá thế giới 4 năm trước tưởng như đã chết theo cú rơi đài sớm của nhà vô địch Tây Ban Nha, giờ lại bất ngờ xuất hiện đầy mạnh mẽ và lạnh lùng mang tên tiki-taka phiên bản của đội Đức.
Đội Đức hưởng lợi rất nhiều từ việc HLV Pep Guardiola, từng cùng Barcelona giành 13 danh hiệu trong 4 năm, mang theo lối chơi pressing kiểu tiki-taka đến với Bayern Munich - CLB cung cấp quá nửa số cầu thủ đá chính cho tuyển Đức. Với việc Brazil phiêu lưu chơi tấn công nhưng không có phương án chống phản công, nhiệm vụ ghi bàn của các cầu thủ Đức trở nên dễ dàng. Một loạt pha mất bóng của Marcelo, Fernandinho, Luiz khiến Brazil phải trả giá khi chỉ cần 2-3 đường chuyền nhanh, Đức đã khiến chủ nhà thua choáng váng 4 bàn chỉ trong 6 phút.
HLV Scolari không phải là một tay mơ đến nỗi không biết mình là ai. Có thể ông chỉ định cho Brazil tấn công dồn dập chừng 15 phút đầu trận để gây bất ngờ cho Đức, sớm có bàn dẫn trước để sau đó Brazil sẽ chủ động hơn trong việc phòng ngự phản công. Thế nhưng, kế hoạch bị bể khi chủ nhà thua quá sớm và quá nhanh. Đó là hậu quả của thế trận mà Đức gây sức ép liên tục theo kiểu tiki-taka và các cầu thủ của họ chơi quá sắc sảo. Các pha ghi bàn cho thấy Klose, Mueller, Kroos (2 bàn), Khedira và tiền đạo vào sân thay người Schuerrle (2 bàn) tập phối hợp rất kỹ và dứt điểm rất nhiều mới ghi bàn thành thục như thế!
Theo cựu hậu vệ tuyển Anh Rio Ferdinand, ngay cả khi có Thiago Silva hay Neymar, Brazil vẫn sẽ nhận thất bại dù có thể không thua đậm như vậy. Đơn giản vì đội Đức nhỉnh hơn về sự cân bằng, hơn hẳn về lối chơi, các pha gắn kết và có cái đầu rất lạnh. Brazil có rất ít khả năng để tạo nên bất ngờ. Đội Đức đá kiểu nào cũng nguy hiểm, dù tấn công hay phản công. Có thể ở giải năm nay, các học trò của Loew chỉ đá hay khi chơi pressing, còn đá phòng ngự phản công như 4 năm trước không sắc bén bằng. Tuy nhiên, để tìm được phép thử đủ tầm gây khó dễ cho Đức trên đất Brazil, xem ra chỉ có thể là Hà Lan hoặc Argentina, những đội bóng có hàng công thực sự mạnh.
Chiến thắng của đội Đức có phần tàn nhẫn nhưng là liều thuốc giúp thức tỉnh Brazil và là lời cảnh báo gửi đến đối thủ chờ họ ở trận chung kết. Với bản thân HLV Loew, có thể ông sẽ ra đi ngay sau World Cup 2014 nhưng nhìn lại lứa học trò trưởng thành về bản lĩnh trong gần 8 năm dẫn dắt, đó thực sự là một niềm tự hào của bất kỳ nhà cầm quân nào.
Lời nguyền từ Brazil
Đội Đức hãy coi chừng. Thống kê từ năm 1950 cho thấy trừ phi thắng Brazil trong trận chung kết như Uruguay giải 1950 và Pháp giải 1998, đội nào loại Brazil thường không đăng quang (ngoại lệ là Ý 1982): Hà Lan loại Brazil ở giải 1974 rồi thua Đức ở chung kết; Pháp thua Đức bán kết Mexico 1986 và thua Ý ở chung kết Germany 2006 sau khi loại Brazil tại tứ kết 2 giải này; Argentina thắng Brazil tại vòng 2 giải 1990 nhưng thua Đức chung kết; Hà Lan loại Brazil giải 2010 nhưng thua Tây Ban Nha ở chung kết.
T.Đoàn
Bình luận (0)