Sự có mặt của Tây Ban Nha và Hà Lan ở trận chung kết khẳng định trường phái bóng đá kỹ thuật vẫn đang thắng thế, dù “cơn lốc da cam” dưới thời HLV Van Marwijk chơi thực dụng, rình rập hơn và chỉ chịu tăng tốc khi để lọt lưới.
Điều quan trọng nhất trong thành công chung của hai đội là những nhân vật đều là các ngôi sao kém thước tấc. Ngôi sao sáng nhất Hà Lan là Wesley Sneijder cao 1,71 m. Hàng tiền vệ Tây Ban Nha có đến 3 chàng lùn là Xavi, Iniesta và Pedro đều dưới 1,70 m, còn tiền đạo D. Villa cũng chỉ cao 1,75 m.
Sneijder tỏa sáng tại giải năm nay không có gì lạ vì 4 năm trước, anh đã chinh phục giới chuyên môn. Là “siêu phẩm của lò Ajax” – lời nhận xét từ HLV J. Mourinho – Sneijder bù đắp khiếm khuyết về chiều cao bằng việc tập luyện cật lực chơi tốt hai chân, sút xa, sút phạt đều tốt, bật tường, chuyền xa cực nhanh.
Anh thậm chí vừa lần đầu tiên ghi bàn bằng đầu trong sự nghiệp, lại vào lưới Brazil có cặp trung vệ to cao nhất giải! Vì thế, chẳng có gì bất ngờ khi HLV Mourinho như “bắt được vàng” khi có Sneijder. Anh giúp lối chơi phòng ngự phản công của nhà cầm quân Bồ Đào Nha ở Inter mùa rồi đạt tầm cao mới, trước lúc CLB Ý chấm dứt cơn khát danh hiệu vô địch Cúp C1 châu Âu sau 45 năm.
Nếu Sneijder xem ra có cơ bắp thì 4 ngôi sao Tây Ban Nha vừa kể trên lại mỏng manh hơn, đặc biệt là Iniesta và Pedro. Tuy nhiên, khả năng hoạt động bền bỉ của họ – cũng như của siêu sao Messi – cho thấy sản phẩm từ Học viện La Masia thuộc CLB Barcelona chất lượng đến cỡ nào.
Thật ra, các ngôi sao thấp bé vẫn xuất hiện đều đặn, như Maradona 1986, Zavarov, Belanov của Liên Xô tại Mexico cùng năm (Liên Xô vào đến trận chung kết Euro 1988, năm Belanov giành Quả bóng vàng châu Âu); Romario 1994. Tuy nhiên, để trụ lại và thành công liên tục trong thời gian dài như Sneijder và các ngôi sao Tây Ban Nha vừa kể ở trên là rất hiếm (ngoại trừ Roberto Carlos có “tuổi thọ” và chơi ở vị trí hậu vệ trái lên công về thủ từ năm 1998 đến 2006).
Thành công của Tây Ban Nha và Barcelona với các cầu thủ có chiều cao trung bình
dưới 1,80 m cho tho thấy thể hình không phải là yếu tố quan trọng nhất trong bóng đá. Ảnh: REUTERS
Trường phái Brazil vẫn chuộng các cầu thủ có tài, bất kể thể hình, ví dụ như Robinho. Nhưng kể từ khi chú trọng đến thể lực và sức mạnh, các HLV của Selecao đã bắt đầu lựa chọn cầu thủ có tầm vóc và cơ bắp hơn để đương đầu với các đối thủ châu Âu.
Kết quả là lối chơi của đội tuyển vàng-xanh mất đi nét quyến rũ. Đó là lý do các nước Đông Nam Á gần đây chuyển hướng sang các Học viện Arsenal JMG hoặc sang Aspire của Qatar, nơi cũng mời một số HLV Barca.
Tương tự võ sinh chọn môn phái, việc một nền bóng đá chọn trường phái để học tập cũng dựa vào những tiêu chí phù hợp với thể trạng, sức vóc và cả phong cách sống. Với sự tiến bộ về khoa học dinh dưỡng, chế độ tập luyện, Barca – bộ khung chính của Tây Ban Nha – đang trở thành hình mẫu của nhiều nước khi CLB thống trị giải La Liga với 4 ngôi vô địch cùng 2 danh hiệu Champions League trong 6 năm qua.
Mới đây, Trung Quốc đã công bố kế hoạch đào tạo nhân tài bóng đá trong 5 năm, với 500 cầu thủ trẻ được gửi đi nước ngoài, đặc biệt là lò La Masia ở Barca. Đất nước đông dân nhất thế giới muốn có vài Xavi, Messi để hiện thực hóa giấc mơ trở lại sân chơi World Cup, chứ chưa nói đến vô địch, sau lần đầu tiên tham dự vào năm 2002.
Dĩ nhiên, sự thành công của một nền bóng đá đòi hỏi nhiều yếu tố, kể cả hy sinh. Ngay cả Hà Lan cũng từ bỏ phong cách làm nên “cơn lốc da cam” thì việc Brazil chia tay lối chơi hoa mỹ để có 2 chức vô địch World Cup 1994 và 2002 cũng xứng đáng lắm chứ! Vì thế, nếu Tây Ban Nha không vô địch, chắc hẳn sẽ có không ít lời đề nghị họ nên chơi thực dụng và sử dụng nhiều ngôi sao to khỏe hơn ở tuyến giữa.
Đội thắng lớn nhất là... kinh tế
Chiến thắng thật sự sau trận chung kết World Cup vào rạng sáng 12-7 có lẽ là nền kinh tế của nhà vô địch vì Tây Ban Nha hoặc Hà Lan đều được dự đoán hưởng lợi từ chiến thắng trong trận bóng đá thu hút nhất hành tinh.
Theo chuyên gia kinh tế Hein Schotsman ở Amsterdam, chiến thắng ở trận đấu quan trọng nhất có thể giúp nền kinh tế của đất nước có đội vô địch tăng trưởng thêm 0,25%, đặc biệt khi châu Âu đang trải qua giai đoạn khó khăn.
Người Hà Lan vẫn đang vật lộn với khó khăn khi nhiều tập đoàn tài chính và tín dụng chật vật, chính phủ từ nhiệm vào tháng 2.
Trong khi đó, Tây Ban Nha là nước có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất châu Âu, lên đến 20%, khi đang đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong 50 năm qua.
Doanh số của bia Heineken tăng vọt nhờ thành công của đội Hà Lan. Ảnh: Fanzone |
Tuy nhiên, chức vô địch World Cup có thể tạo hưng phấn để các sản phẩm Hà Lan tăng doanh thu 700 triệu euro, bởi thường thì những người tiêu dùng hạnh phúc luôn chi xài thoải mái hơn.
Chiến thắng của Ý trước Pháp ở trận chung kết World Cup cách đây 4 năm giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng thêm 0,5%, lên đến mức 2% vào cuối năm 2006. Đó là mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm của nước Ý.
Trước mắt, các công ty của hai nước có đội tuyển lọt vào trận chung kết đang hưởng lợi lớn. Doanh số của đài truyền hình Gestevision Telecinco SA, giữ bản quyền các trận đấu chính của World Cup 2010 ở Tây Ban Nha, tăng 5,4%.
Còn hãng Hà Lan Screen Video thu được 21.000 euro từ việc cho thuê màn hình cuối cùng trong số 12 màn hình cực lớn. Màn hình 84 m2 đã chở đến... Barcelona, nơi dự kiến có 84.000 người xem trực tiếp trận chung kết.
Doanh số của thương hiệu bia Heineken tăng vọt nhờ thành công của đội Hà Lan. Chuỗi siêu thị lớn nhất Hà Lan là Albert Heijn cũng bán được rất nhiều đồ uống và thực phẩm đóng gói sẵn. Doanh số của các siêu thị ở Hà Lan cũng tăng 2,8% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái.
T.Đoàn |
Bình luận (0)