Phát biểu tại cuộc tuần hành ở TP Phoenix, bang Arizona hôm 22-8, ông Donald Trump còn cáo buộc phe Dân chủ cản trở việc cấp kinh phí xây dựng bức tường này - một trong những ưu tiên khi ông tranh cử vào năm ngoái.
Hạ viện Mỹ gần đây đã thông qua dự luật ngân sách, trong đó bao gồm khoản chi 1,6 tỉ USD để xây tường biên giới. Tuy nhiên, rào cản lớn nằm ở thượng viện khi phe Dân chủ phản đối gắn khoản chi này với dự luật ngân sách.
Theo tờ Washington Examiner, lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump có thể thúc đẩy Đảng Cộng hòa (GOP) tìm mọi cách bổ sung khoản chi này vào dự luật, bất chấp nguy cơ mất phiếu từ Đảng Dân chủ và có thể là một số thành viên của chính GOP.
Cho đến giờ, các thượng nghị sĩ GOP vẫn không muốn đối đầu với Đảng Dân chủ về vấn đề ngân sách. Đó là lý do họ đang cân nhắc một kế hoạch rộng lớn hơn nhằm cải thiện an ninh biên giới thông qua nâng cấp hạ tầng, sử dụng công nghệ và tăng cường thực thi pháp luật.
Hồi đầu năm nay, chính quyền ông Donald Trump không được cấp tiền xây tường biên giới trong dự luật chi tiêu ngắn hạn được quốc hội thông qua, buộc tổng thống Mỹ viết trên mạng Twitter cần "một sự đóng cửa tốt đẹp" của chính phủ vào tháng 9 để giải quyết.
Chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa từ ngày 1-10 nếu quốc hội không thông qua dự luật ngân sách mới. Các nghị sĩ GOP lo ngại một kịch bản như thế sẽ khiến dư luận đánh giá rằng đảng này, hiện kiểm soát cả lưỡng viện quốc hội và Nhà Trắng, không có năng lực lãnh đạo đất nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm cơ sở của Lực lượng hải quan và tuần tra biên giới ở TP Yuma, bang Arizona hôm 22-8 Ảnh: REUTERS
Theo trang The Hill, kịch bản khả dĩ nhất là Quốc hội Mỹ thông qua biện pháp giúp chính phủ có tiền hoạt động thêm vài tháng, trong đó không có khoản chi cho bức tường biên giới.
Ngoài ra, nó có thể đi cùng với một biện pháp nhằm nâng trần nợ công - cũng là một cuộc chiến quan trọng khác chờ Quốc hội Mỹ vào tháng tới.
Trong nỗ lực trấn an dư luận, ông Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số tại thượng viện và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hôm 21-8 dự báo quốc hội sẽ nâng trần nợ công kịp thời để ngăn nguy cơ vỡ nợ.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện không muốn có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào với bước đi này - một điều được các thủ lĩnh GOP tại quốc hội ngầm ủng hộ.
Dù vậy, nhiều thành viên GOP lại đòi cắt giảm chi tiêu đáng kể để đổi lấy việc nâng trần nợ công, gây khó khăn cho tiến trình mà ông Mnuchin muốn thấy quốc hội hoàn tất trước ngày 29-9.
Một trở ngại nữa cho những nỗ lực nêu trên là việc Tổng thống Donald Trump và ông McConnell đang "chiến tranh lạnh" và không nói chuyện với nhau nhiều tuần qua.
Tờ The New York Times tiết lộ ông chủ Nhà Trắng chê ông McConnell không thể vận động sự ủng hộ của thành viên GOP đối với kế hoạch bãi bỏ và thay thế Đạo luật Chăm sóc sức khỏe vừa túi tiền (còn gọi là Obamacare).
Trong khi đó, ông McConnell lo ngại về sự thiếu kinh nghiệm chính trị và phương thức lãnh đạo đất nước của ông Donald Trump. Không có gì lạ khi chuyên gia kinh tế Alec Phillips của Ngân hàng Goldman Sachs đánh giá có 50% khả năng chính phủ Mỹ đóng cửa trong thời gian ngắn.
Bình luận (0)