Gia đình làm nghề đóng đáy (đánh bắt cá trên sông) nên tôi lớn lên trên dòng sông Hậu đầy ắp phù sa. Sống dưới ghe, lênh đênh sông nước, mỗi khi sóng to gió lớn, các ghe đều rời nền đáy (vị trí đóng đáy, đắt bắt cá, tôm trên sông. Người sở hữu nền đáy được quyền sang nhượng nền cho người khác có nhu cầu, mức giá thoả thuận. Trong làng đáy, mọi người hỗ trợ, giúp đỡ khi có sự cố xảy ra. Nghề rất nguy hiểm, trước đây thu nhập khá nhưng nguồn cá tôm cạn kiệt dần nên mọi người dần chuyển nghề của mình để tấp vào bờ tránh tạm. Và để tận dụng nguồn nước mưa tinh khiết, chúng tôi dùng thùng hứng nước mưa chảy trên thân cây dừa nước xuống để uống.
Gần nơi trú mưa, phía ngoài hàng dừa nước sát bờ là cây bần “thẹo”, thân to lớn, mọc đơn độc, một mình. Những cây bần khác cành lá xum xuê, trái mọc đầy, rũ xuống nước nên nhiều người còn gọi bần với cái tên hoa mỹ là thủy liễu. Nhưng riêng cây bần “thẹo” chẳng có nhiều cành lá, nó cứ trơ trọi đến đáng thương với thân mình bị dẹo sang một bên và những vết thẹo sâu hoắm. Có lẽ, nó đã chịu đựng không ít lần bị tổn thương nên mới thiếu dinh dưỡng, cành lá trụi lũi hoặc cũng có thể do quá già, quá lâu đời mà nó không còn xanh tốt nữa.
Tôi cũng không biết rõ, hỏi mẹ và cha cả hai cũng đều không biết cây bần mọc từ khi nào, quá khứ ra sau. Cha mẹ tôi kể từ lúc tha hương xuống xứ này, tậu ghe làm nghề đáy đã thấy cây bần “thẹo” sừng sững ở đó. Nó lâu năm quá nên mọi người đồn rằng nó thành tinh và chứa đựng nhiều điều huyền bí. Ví dụ như những người bị chìm ghe, xác trôi mất, người thân tìm mải miết không thấy, thế mà không hiểu sao xác lại tấp vào cây bần “thẹo”. Nhiều lần như thế, người tìm thân nhân bị chết đuối do chìm ghe ở ngã ba sông thể nào cũng thấy xác tấp vào cây bần “thẹo”. Họ nhờ sư thầy làm lễ cúng bái ngay tại cây bần rồi đưa xác về.
Mẹ tôi còn kể, lúc trước nhiều người trong làng đáy trú mưa to, gió lớn cũng chạy vào hàng dừa nước gần cây bần “thẹo”. Họ không thể nào ngủ yên được vì cứ nằm xuống là lại thấy một người phụ nữ, mặc đồ đen, tóc rất dài đến đuổi đi. Cứ hễ chợp mắt là bị đuổi nên họ phải tháo dây, dời ghe sang chỗ khác neo đậu và ngủ ngon lành. Rồi ghe nhà tôi một đợt sóng to cũng chạy vào đây trú, từng nghe nhiều về cây bần, tôi rất lo lắng, sợ hãi. Nhưng mẹ dạy tôi cách vái lạy, xin phép được dừng chân ở đây để trú mưa. Không hiểu do an tâm vì mình có xin phép đàng hoàng hay sao mà cả nhà tôi ngủ một giấc ngon lành, chẳng hề mộng mơ gì. Cho đến lúc hừng sáng, sóng lặng, gió yên, chúng tôi lại dong ghe ra đáy, chuẩn bị đổ đục, rồi tháo đáy và thu hoạch mẻ cá, tôm đầu tiên trong ngày.
Những tiếng gọi nhau í ới, kêu nhau tháo đáy vang dậy khúc sông. Từ ngoài đáy nhìn vào bờ, cây bần “thẹo” dần chỉ như một chấm nhỏ, đứng sừng sững giữa lòng sông. Thế nhưng, vài năm sau đó, cây bần “thẹo” bị chặt mất. Có lẽ, nó choáng chỗ cho hàng dừa nước phát triển hoặc có lẽ nó chẳng có cành, trái nhiều và cũng quá già cỗi nên người trong xã chặt mất. Tôi thấy tiếc vô cùng bởi ít nhiều mình cũng có ít kỷ niệm với nó. Nhất là, nó cũng giúp gia đình tôi tránh khỏi bao phen mưa to, gió lớn.
Giờ đây, tôi sinh sống nơi khác, cũng như bao người khác dần dần trở về quê gốc của mình, rời cái nơi tụ hội giang hồ tứ xứ. Nhưng những kỷ niệm ở vùng đất được xem là “rừng thiêng, nước độc” ngày nào luôn đầy ứ trong tôi để rồi những lúc ra chợ, mua quả bần về chấm muối, nỗi nhớ cây bần “thẹo” lại ùa về.
Bình luận (0)