Tết- mùa của trở về. Dù ai đi ngược về xuôi, bôn ba khắp nẻo sông hồ cũng “về quê đón Tết", có mặt bên gia đình huyết thống, bên người thân, bên bạn bè.
Tết thường gắn liền với xuân nên người ta thường nói là vui xuân đón Tết. Một năm bắt đầu bằng mùa xuân- đời người bắt đầu từ tuổi trẻ. Khởi đầu một năm là mùa tuôn dậy, căng tràn nhựa sống của cỏ cây, muôn loài sau những ngày đông ấp ủ. Tuy cùng một mùa nhưng ở mỗi quốc độ, cái thời, cái tiết có phần khác biệt chút chút như bây giờ chẳng hạn, bắt đầu giữa tháng mười một, chớm đầu tháng chạp là bà con sĩ nông công thương ở quê nhà đã chuẩn bị cho mùa cuối năm.
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet
Khí xuân, khí Tết có mặt rất chi là tự nhiên ngay từ những dự định, lo toan, từ nhịp sống tất bật nhưng đầy ước ao, mong đợi. Tiết mùa này ở quê mẹ đã lạnh khô se sắt còn ở trời Tây thì là đầu mùa đông, tuyết phủ trắng xóa tận cuối chân mây. Mỗi lần bước chân ra ngõ là chạm phải cái lạnh có mặt mênh mang khắp không gian và thời gian, ngày ngắn lại, đêm dài ra trong sắc đục mờ xám của sương rơi, của tuyết phủ. Cái lạnh và không khí yên vắng, có vẻ ảm đạm bên ngoài cũng dễ ảnh hưởng tới tâm trạng con người. Vì vậy, ở xứ Tây phương, tỉ lệ trầm cảm vào mùa đông có phần tăng hơn. Ngược lại thì ở quê mẹ mùa này làm sao mà trầm cảm cho được.
Dù chênh lệch múi giờ, thời-tiết nhưng người đi đâu mang hồn Việt theo đó, huyết quản dòng giống Lạc Hồng cho ta cảm nhận rằng “Ừ nhỉ mùa xuân đang về, ngày Tết đang đến". Hay tự trong trong tâm thức ta hạt mầm mùa xuân luôn có đó nên thời khắc giao mùa cộng hưởng với nhịp sống của người thân xa gần cho giai điệu xuân trong ta được tấu khúc.
Giống như gia chủ trước khi đón khách cũng cần dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa tươm tất thì với nhân sinh nói chung, để chuẩn bị đón một mùa xuân mới, ngoài những dự định, kế hoạch làm ăn cuối năm thì sự tổng kết, nhìn lại quá trình một năm qua là điều không thể thiếu. Tổng kết nhìn lại để rút kinh nghiệm, dọn dẹp tâm hồn cho thư thới, rỗng rang cho ngày xuân kia được mới tinh, trọn vẹn. Và riêng với mỗi hành giả cũng vậy.
Sau mỗi giây mỗi phút trong đời sống hàng ngày đều có khoảng lặng cho ta lắng yên, an định tâm tư, nhìn lại từng dòng sinh diệt của tâm thức nhưng có lẽ những lúc giao mùa cuối năm thì thực tập nhìn lại, chiêm nghiệm sẽ sâu hơn, lắng hơn. Đây không phải là một sự cố gắng, gượng gạo nhưng là một cái gì đó rất tự nhiên của tâm thức cùng hòa điệu với không gian. Nhân sinh quan không tách rời vũ trụ quan là vì vậy.
“Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ“, như một tiếng chuông không phải để ta giật mình mà để ta ý thức sâu hơn, rằng “thời gian như chuyến tốc hành“. Một năm đó có bao lâu mà cũng đang trôi như dòng sông chảy miết có chờ đợi ai bao giờ. Dòng sông đi qua những khúc êm đềm, dịu dàng nhưng không tránh khỏi những thác ghềnh, khúc khuỷu, quanh co. Có những ngày nắng ấm, mưa xa, ta hạnh phúc, bình an đầy tràn với bước chân đầu ngày, “xin bước, bước yêu thương“. Nhưng sau đó, đối duyên xúc cảnh, ta có những bài thực tập thực tế với những va chạm, những xôn xao đời thường hay nếp đạo rồi tâm tư có chút muộn phiền, hờn dỗi. Hay lắm khi niềm hỷ lạc trong ta quá lớn, cầm lòng không được, ta cười vang. Đầy đủ những hạt giống tâm hồn cùng lên tiếng gọi.
Nhịp sống đời thường xô đẩy, dồn đuổi nhau có khi mệt đứt hơi nhưng trong nếp đạo ta có nhiều cơ hội dừng lại, lắng đọng, nhìn sâu hơn về chính tự thân ta cũng như về những gì đang xảy ra xung quanh mình. Có sá chi những vụn về nho nhỏ, những lên xuống của vui buồn chốc đầy chốc lại vơi. Bởi chính ta đã bước ra từ những xô đẩy, dồn đuổi ấy nên ta trân quý biết bao hiện tại này đây.
Và sau một giấc ngủ sâu, thức dậy, ta thấy cuộc đời mới mẻ, tinh khôi hơn bao giờ hết. Đôi mắt sáng trong đón ngày mới và ta sẽ viết gì vào trang giấy mới hôm nay đây?
Viết rằng ta đang có một mùa xuân như thế trong lòng.
Bình luận (0)