Tôi chắc là bạn đã đọc được đâu đó điều này, thi thoảng lại đọc được ở đâu đó - cứ thế nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn thường quên câu chuyện này, với ví von về sự thọ cảm của mỗi người trước những tác động bên ngoài. Nếu lòng ta là cốc nước nhỏ thì chỉ cần một tác động không lớn cũng đủ làm mình xáo trộn, phiền não. Nếu lòng ta là một thau nước, hồ nước, là biển mênh mông thì tác động dẫu to hơn cũng chẳng hề hấn gì.
Ảnh Internet
Bài học nhân sinh từ "thí nghiệm" bỏ muối vào cốc nước là một bài học lớn, dặn dò ta phải nhớ để sống cho trái tim mình rộng mở thêm ra.
Cuộc sống không phải bao giờ cũng bằng phẳng, không phải lúc nào ta cũng gặp toàn người tốt, công việc mình không phải khi nào cũng thuận lợi... Thì khi ấy, việc mình tiếp nhận những khó khăn, thử thách, những cú tát đau điếng bất ngờ ấy - chính là cơ hội để mình nhìn lại bản thân. Có thiệt là mình đã tốt, có thiệt là ta đã hoàn toàn tự do giữa biển đời chìm nổi, giữa những thị phi, hơn thua, gian dối...?
Đôi lúc ta tưởng là mình... giải thoát rồi, nhưng gặp một sự cố lớn hơn những điều mình đã trải thì ta mới nhận ra sự chênh vênh, chìm nổi của mình; cũng như ta tưởng là mình đã thiệt dễ thương vì quanh ta ai cũng đối đãi tử tế với mình, cho tới khi ta gặp phải những người không dễ thương như đã gặp.
Cái ta tưởng đó nói chỉ diễn ra trong giới hạn nào của cuộc sống mà mình gặp, để rồi trên bước đường đi tới ta gặp thêm nữa những đối tượng khác thì cũng là lúc ta kiểm định được tự thân. Nếu có nguyện tu-sửa thì mình sẽ thấy, nhờ những cái bất như ý, những đối tượng không dễ thương mà mình vừa gặp cũng là thiện-tri-thức thúc đẩy mình thêm vững chãi.
Ở một khía cạnh nào đó, thực ra, khi mình sống và luôn biết chấp nhận cái được và mất, cái dễ và khó, cái hay và dở... nơi tự thân và người khác thì ta sẽ nhẹ nhàng hơn, sẽ có cơ hội làm bạn, kết thiện duyên với nhiều người để cùng nhau đi trên đường vui sửa mình. Khi đó, ta sẽ có thể cảm thông và tha thứ, thương và chia sẻ được với những người còn lầm lạc trong bóng tối hơn mình (chứ không coi thường hay trách móc họ) cũng như sẽ biết chịu đựng được những thách thức mà ai đó vì hiểu nhầm hoặc cố ý tạo ra cho mình - để rồi từng bước chứng minh cũng là từng bước tháo nút thắt trong lòng họ và cả lòng mình.
Chúng ta cần thời gian để "điều phục tâm" cũng như cần thời gian để trưởng thành nên không có gì vội vàng cả. Người khác thực ra cũng cần thời gian để nhận ra chân tướng sự việc, do vậy mình không vội bỏ cuộc cũng là không vội đánh mất đi một cơ hội để truyền thông, giúp mỗi người hiểu nhau hơn và thương nhau hơn.
Thi thoảng, tôi lại nhớ và nhắc bài học từ ông Tôn Vận Tuyền (chính khách Đài Loan), ở đó có ý: “Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ tín, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ tín với mình. Các con có thể yêu cầu mình phải đối xử tốt với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử tốt với mình”. Có nghĩa là hãy yêu cầu mình sống tốt và tử tế, đừng bắt người khác phải làm thế với mình, rộng ra là hãy tu chỉnh tự thân chứ mắc chi đi bắt người khác phải tu chỉnh trong khi mình còn dở ẹc?
Bình luận (0)