Quê tôi ở miền Tây, xứ sông nước trước đây vốn lắm tôm, nhiều cá và cả những chiếc đò tam bản cũng không hiếm. Trước khi cầu đường phát triển rầm rộ như hiện nay, muốn qua bên kia sông nếu không trổ tài bơi lội thì chỉ còn cách chờ đò. Mà khách đi đò lúc đông, lúc ít, thường đông nhất vào buổi sáng sớm cũng như nhá nhem tối khi bà con đi chợ, đi học, đi làm trở về. Những buổi trưa hoặc tối tầm 19 giờ rất ít khách, chỉ vài người vảng lai. Và những người khách này muốn qua sông chỉ còn nước đứng bên này bờ gào thét: “Đò ơi, bớ chủ đò, đưa đò đi… Đò ơi…!”. Những tiếng kêu từng chặp, từng chặp vang vọng cả mặt sông.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Chủ đò nghe được sẽ lại lập cập xuống chiếc tam bản nhỏ xíu, mở dây cột, buông chèo và khua nước sang. Vừa khua, chủ đò vừa trả lời: “Nghe rồi, nghe rồi, đừng gào nữa, qua đây!”. Rước được khách, cả hai trò chuyện đủ thứ trên đời kiểu: “Đi đâu tối vậy?”, “Bán ế hay sao mà về trễ vậy?”, “Bị thầy phạt hả con?”…
Nhà tôi gần sông, cũng gần luôn bến đò. Đứng từ nhà, tôi có thể thấy được chiếc đò nhỏ xíu xiu đang cập bến hay rời đi. Vì thế, mỗi sáng tôi đều ra ngõ xem đò sắp cập bến chưa để chạy cho kịp sang sông đi học. Nếu đò vừa rời đi, tôi sẽ nán lại nhà để ăn nốt bữa sáng dang dở do thói hay dậy muộn. Lớp 8, mặc áo dài thườn thượt, tôi vẫn không ngại xoắn lên và chạy bở hơi tai để kịp chuyến đò. Đôi lần không cẩn thận, tôi vẫn đo đường và sở hữu vài vết thẹo nhớ đời nhưng vẫn thích chạy hộc tốc mỗi dịp thấy đò sắp cập bến.
Mỗi khi ngồi trên chiếc tam bản, những lúc không trò chuyện cùng bạn bè chung xóm cũng sang sông đến trường, tôi lại nhìn mặt nước gần xịt mà tưởng tượng, lo lắng đủ chuyện. Tôi tưởng tượng nếu chìm đò thì sao ta? Tôi có đủ sức bơi vào bờ không khi mình chỉ biết mỗi kiểu bơi chó mà còn chưa rành lắm. Rồi lại tưởng tượng nhỡ chiếc ghe lớn nào chạy ngang qua, không trông thấy con đò nhỏ xíu này và tông vào muốn bơi chắc cũng không thoát được. Những câu chuyện về con ma da hay kéo người mà tôi nghe mấy bác hàng xóm hay kể lại hiển hiện trong đầu khiến da gà, da vịt nổi hết cả lên.
Tưởng tượng thế thôi nhưng tôi đi đò nhiều năm như vậy mà… chẳng gặp bất kỳ tình huống nguy hiểm nào. Chủ đò luôn chở khách đến nơi về đến chốn. Một phần, con sông chẳng rộng lắm. Một phần, chủ đò cũng thường bơi chậm. Sống gần sông nước cũng khó tránh trường hợp thương tâm xảy ra như chết đuối nhưng đa phần là do những ông khoái nhậu, dưới quê đôi khi mồi là dăm con cá khô queo nướng lên cũng đủ làm vài xị rượu gạo. Nếu chẳng thể đào đâu ra khô, mấy ông lại vào vườn hái trái ổi, trái xoài, trái cóc rồi tì tì đến chạng vạng. Máu “yên hùng” nổi lên, vài ông lại thách nhau bơi qua sông. Đang ngà ngà say mà bơi qua sông nước lớn, sóng dập thì nguy hiểm ập đến là tất yếu dẫu bơi giỏi cỡ nào. Vì thế, sau chầu nhậu lại có vợ mất chồng, con mất cha khóc hờ rờn rợn cả khúc sông.
Lên lớp cao hơn, tôi không chỉ đi đò buổi trưa mà còn cả buổi tối khuya bởi phải học thêm các môn. Ở cái xứ khỉ ho cò gáy là thế nhưng cha mẹ tôi lại khá quan trọng chuyện học hành và dạy tôi rất nghiêm. Mà thầy cô thường dạy thêm buổi tối nên cha tôi đã dặn sẵn bác chủ đò rằng hễ khi nào tôi gọi thì sang rước giúp. Vậy là, bất kể mưa nắng, cứ tầm hơn 20 giờ, tôi lại đứng ở bến gào ầm ĩ: “Bác ơi sang rước con, bác ơi hú hú hú!”… Những khi trời mưa, tôi vừa đội áo mưa vào gào liên hồi đến nỗi bác bên kia sông phải quát sang: “Từ từ, chờ tao mặc áo mưa đã, lạnh gần chết, mày chờ xíu có gì mà hét lên thế”. Rồi bác cũng thong thả chèo xuồng sang rước tôi rồi chèo về. Sang bờ, tôi trả tiền rồi cảm ơn và lủi thủi cầm cây đèn pin vừa rọi đường vừa lội về nhà. Nếu gặp trời mưa, đường nhão nhoẹt bùn, tiếng con ễnh ương, ếch… nó kêu ầm ĩ: “quệt, quệt, quệt…!” vang dậy trong đêm. Tôi phải căng mắt ra nhìn đường vì nhỡ đâu đi quá nhanh đạp nhầm con rắn nào đang bò ngang thì tiêu tùng.
Theo thời gian, cái bến đò dần nâng cấp, hết chèo chuyển sang xuồng máy rồi phà nhỏ. Khách vẫn hết lượt qua đến lượt về. Riêng tôi, đậu đại học lại chuyển lên Sài Gòn sống rồi làm việc luôn, gia đình tôi cũng chuyển về quê cũ nên hiếm có dịp về thăm lại cái chốn “giang hồ tứ xứ” sống suốt 18 năm. Vài dịp gặp người quen, tôi nghe đâu giờ cái bến xưa đã có cầu bắc ngang sông, chẳng phải đi đò nữa. Thấy vui mà cũng thấy buồn! Vui vì đời sống phát triển, bà con đỡ cực hơn. Buồn là vì tôi sẽ chẳng bao giờ được ngồi trên chiếc tam bản, nhìn xuống mặt nước cách mình chẳng bao xa mà tưởng tượng đủ chuyện vớ vẩn. Buồn là vì tiếng gọi đò sẽ dần chìm vào dĩ vãng, không còn những đêm vắng vang vọng khắp bến xưa khiến lòng người nao nao, nhớ nhớ.
Bình luận (0)