6 tuổi mới biết đọc, biết viết nhưng danh sách những tuồng ca cổ thì tôi thuộc làu làu. Nghe bà Sáu Liễu nhà ở sau hè kể lại rằng những năm 1988, lúc đang mang thai tôi, má đã vác cái bụng bầu ra sân chiếu phim của HTX mà coi cải lương rồi. Bả còn nói nhắc má thêm là: "Mày coi cải lương làm chi, sau này đẻ con ra nó mê cải lương rồi nó khổ!". Hỏi bả là tại sao lại khổ thì bả bảo: "Cải lương có tuồng mô mà không ngang trái, sầu não đâu".
10 tuổi, tôi cũng không nhớ rõ có chính xác không. Chỉ biết là quãng thời gian ấy là những ngày trốn học đi xem ti vi nhà hàng xóm. Quê nghèo thời đó họa hoằn lắm mới có nhà ông Hùng Lượng có ti vi, mà cũng chẳng được cái ti vi màu như bây giờ. Cái ti vi trắng đen ấy vậy mà là cả 1 sự tò mò và niềm khao khát với chúng tôi.
Nghệ sĩ Vũ Linh và Tài Linh. Ảnh: Minh Hoàng.
Đi học về, tranh thủ cưỡi cái xe đạp cà tàng, tôi phóng nhanh về nhà ổng. Bụng có đói meo hay mặc cho má ở nhà dọn cơm sẵn sàng chờ thì tôi cũng mặc kệ. Cứ y như là bữa nào ổng có việc gì đó không chiếu cải lương, không mở ti vi là thôi rồi, tối về, tôi học bài cũng chẳng nhét vào đầu được chữ nào. Lũ trẻ lúc nào cũng xúm xít, vai còn đeo cặp mà theo dõi không chớp mắt.
Đừng khi dễ trẻ con chẳng hiểu gì về cải lương, coi làm gì, thật ra chúng nắm nội dung rất rõ. Thế rồi những buổi chiều trốn học đi xem cải lương đi vào trong tâm thức mỗi đứa trẻ trong xóm, là niềm vui nhỏ bé của riêng tôi sau những giờ tới lớp, là niềm hạnh phúc giữa cái xóm nghèo quanh năm chân lấm tay bùn với đồng ruộng.
12 tuổi, bẵng đi một thời gian khi thấy chúng tôi mê tít cái ti vi và những tuồng cải lương mà ông Hùng Lượng đã lên kế hoạch kinh doanh. Nhớ không nhầm là ổng đi sửa lại cái sân cho sạch sẽ, lấy mấy tấm bạt phơi lúa che lên thành một cái rạp chiếu nhỏ, rồi bưng cái tivi và “đầu từ” ra để trên một cái ghế trước nhà. Thế là từ đó, ông bắt đầu chiếu, thu tiền. Và cũng từ khi mở dịch vụ này, người lớn trong xóm đã có thể đi xem cho thỏa cái dạ. Vì có bữa đi xem về, nghe tôi bô bô kể lại mà má tiếc đứt ruột. Chẳng lẽ, mình như vậy mà đi coi ké như mấy đứa nhỏ thì... nhục lắm!
Buổi chiều chăn trâu chẳng dám đi xa, cứ loanh quanh bên nhà ổng, thấy mở là chạy vào coi. Ổng gọi đó là chiếu dạo đầu. Thường thì chỉ biết tuồng đó tên gì, ai đóng…chừng ấy cũng đủ gợi sự tò mò cho lũ trẻ chúng tôi về kể lại với người lớn. Có bữa má làm đồng về sớm, vừa thấy tôi chăn bò về là hỏi ngay: “Tối nay có tuồng gì con? Minh Vương – Lệ Thủy hay Vũ Linh- Tài Linh?”. Mà má chỉ thích coi Minh Vưong- Lệ Thủy hay Minh Phung- Bạh Tuyết thôi. Tụi tôi thì khoái Vũ Linh- Tài Linh hơn.
Buổi tối, khi gà vừa lên chuồng là hình như cái xóm nhỏ không khí tấp nập hơn. Nhà nào cũng lo ăn cơm thật sớm, khóa cửa, nhốt gà cẩn thận rồi gọi nhau cùng đi. Dù chỉ cách nhau có một bờ ruộng nhỏ nhưng phải mất hơn 10 phút mới tới được nhà ổng mà coi. Vì đường làng trong xóm cong queo, tối mịt, phải đốt bả mía soi đường, bờ ruộng chỗ thấp chỗ cao, vào mùa mưa thì lầy lội lắm.
Còn những ngày rằm, sáng trăng thì y như là đi xem hội. Người lớn, người nhỏ, con nít, ông già, bà già kéo nhau đi gần như hết cả xóm. Đi trên bờ ruộng bên này đã thấy đồng trên cũng vài ba tốp kéo nhau xuống rạp. 8 giờ là ổng bắt đầu chiếu và thu tiền vé. Thời đó mỗi tập như vậy có 500 đồng mà hình như ai cũng phải tiện tặn dữ lắm. Nhớ nhất là vợ chồng ông Chín Mốt- ham coi lắm mà chẳng chịu trả tiền. Đến giờ thu tiền là ra bờ kênh ngồi, đến khi thu xong tiền xong lại vô coi tiếp. Những tuồng cải lưong thì bi lụy và ngang trái nên dù gần 40, 50 người mà ai cũng im thin thít, say mê, chăm chú. Lâu lâu lại có tiếng ai đó thút thít, nức nở! Nội dung hầu như phản ánh rất thực về cuộc sống, rất thấm thía và ý nghĩa.
Chúng tôi lúc ấy thuộc răm rắp danh sách các nghệ sĩ cải lương, nắm cả đời tư của họ nữa. Hồi đó làm gì có báo chí nhưng không hiểu sao mà cập nhật thông tin hay ghê. Có cái đúng, có cái sai! Kiểu như Vũ Linh, Vũ Luân là 2 anh em ruột, sao giống nhau quá! Hay Kim Tử Long và Ngọc Huyền có phải là vợ chồng không?. Ra ruộng là mấy bà ra rả bàn luận cái tuồng hôm qua không coi là tiếc nửa cuộc đời, cái cô Tài Linh sao mà đóng mùi quá, tui coi tuồng nào có bả tui cũng khóc...!
Nhiều lắm! Kể ra không hết những kỷ niệm thơ bé ấy. 5 năm, 10 năm liền sau đó cái xóm nhỏ lúc nào cũng trở nên ấm cúng hơn, tình làng nghĩa xóm cũng thắt chặt hơn nhờ những buổi cùng nhau đi xem cải lương. Dần dà, khi kinh tế khá giả, nhà ai nhà nấy có ti vi thì dịch vụ đó cũng giải thể. Xa quê, có lúc nhớ quay quắt những ngày như thế, như khi mở radio mà nghe được một bài ca cổ thì vui lắm. Tình yêu cải lương cũng sâu sắc, đậm đà như tình yêu quê hương, xứ sở vậy!
Bình luận (0)