Số là, anh kể anh đã đuổi theo hai tên cướp giật và bị té ngã nhưng chẳng có ai chạy ra ứng cứu với anh mặc dù ở đầu đường khi đó anh thấy thấp thoáng mấy bóng người. "Nếu họ can thiệp bằng cách nào đó, chắc chắn bọn cướp giật sẽ không thoát được và tôi không bị mất đồ" - anh buồn bã nói. Rồi anh kết luận rằng anh buồn không phải vì mất tài sản, mà vì... tình đời!
Ảnh minh họa
Báo đài đã không ít lần đưa tin ở đâu đó có những người trước chuyện bất bình đã "ra tay nghĩa hiệp" cứu giúp những con người hoàn toàn xa lạ gặp chuyện không may, chẳng quản ngại nguy hiểm có thể xảy đến cho bản thân mình.
Báo chí gần đây đăng chuyện một em học sinh lớp 11 ở TP Quy Nhơn đã rượt đuổi tên cướp khi tình cờ phát hiện vụ cướp tại một cửa hàng tạp hóa. Hoặc một tài xế taxi đã lao xe bắt tên cướp lấy lại giỏ xách cho một phụ nữ... Không ít những tình huống hết sức đáng khen và đáng khâm phục như thế đã và đang diễn ra trong đời sống.
Và có những người được mệnh danh là "hiệp sĩ" tình nguyện tham gia theo dõi và bắt giữ tội phạm, cứu giúp người khác... Tiếc thay, những người ra tay hành động như vậy chỉ là một thiểu số cực kỳ nhỏ trong một xã hội đông đúc ngày hôm nay.
Trái lại, đại đa số người ta thường có thái độ và cử chỉ như muốn nói: "Không phải việc của tôi", thậm chí đôi khi còn từ chối thẳng thừng: "Đó không phải việc của tôi". Trong công việc, điều đó xảy ra khi đương sự không muốn choàng gánh giúp đỡ đồng nghiệp, cho dù trong bất cứ tình huống nào.
Họ bảo: "Việc tôi - tôi làm. Đó không phải việc của tôi". Có khi thấy đồng nghiệp có chuyện buồn, họ như nhắm mắt làm ngơ. Hoặc có người còn cười đùa trên nỗi đau của người khác. Về nhà, đó cũng sẽ là câu nói cửa miệng của những kẻ luôn tự cao tự đại và tự mãn với đồng tiền mình làm ra, để thoái thác chuyện phụ giúp công việc nhà. "Đó không phải việc của tôi. Tôi còn biết bao nhiêu chuyện đau đầu phải giải quyết nữa".
Không quan tâm đến mọi người chung quanh cũng là biểu hiện quen thuộc của trạng thái vô cảm. Đến khi ra đường, rất nhiều người chỉ biết đường tôi - tôi đi, ai ra sao - mặc kệ. Gặp người bị nạn, họ bình thản đi qua bởi "không phải việc của tôi". Chứng kiến cảnh cướp giật, họ cũng tâm niệm như thế, rồi phớt lờ. Suy nghĩ như thế có lẽ để lòng thanh thản hơn chăng? Nói cách khác, tất cả là do... vô cảm! Cũng có người cho rằng nếu như họ can thiệp vào chuyện "bá vơ" bên đường, biết đâu họ sẽ bị "tai bay vạ gió"...
Cứ thế, nhiều người đã cố tình bỏ qua cơ hội làm việc nghĩa mặc dù trong tầm tay của họ. Có thể do họ lạnh lùng, ích kỷ hoặc do họ lo sợ bâng quơ một điều gì đó...
Thiết nghĩ, nếu ai ai cũng đều không mở lòng để cứu giúp người qua đường hoạn nạn, xã hội làm gì có được những tấm gương xả thân vì tha nhân như báo chí đã đưa tin. Biết đâu, nói dại, người vô cảm nào đó sẽ có lúc là nạn nhân của chính thái độ của họ.
Thế nhưng, nói đi thì cũng nên nói lại, người ta thường có thái độ vô cảm trước tình cảnh khó khăn, nguy cấp của người khác bởi vì họ đã trải nghiệm được những bài học cảnh giác từ chính trường đời. Đời là thế đó! Vô cảm thường thắng thế đồng cảm...
Bình luận (0)