xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sợ buồn...!

Facebook Khải Đơn

Vài năm trước, thời còn viết blog, tôi nghe nhiều anh chị giận dữ trước những đứa trẻ buồn. Buồn vì mọi điều. Buồn tất cả mọi thứ. Buồn vô hạn. Thậm chí thời đó, tôi còn nhớ có tờ báo đăng “giới trẻ buồn vô cớ, vì sao?” – Thậm chí có người giải thích vì… sướng quá nên giả vờ buồn

Hôm trước tôi đã đọc quyển “Tsukuru và những năm tháng hành hương” của Haruki Murakami. Đây không phải 1 quyển hay của ông, nhưng nó chứa một ý nghĩ về tuổi của nỗi buồn. Trong câu chuyện này, nhân vật chính, Tsukuru ở hiện tại, đã nghĩ về rất nhiều năm tháng cũ của mình, nơi anh có 1 nhóm bạn và hồi ức tuyệt đẹp, thứ sinh ra nỗi buồn vô hạn cho anh mãi đến 15 năm sau này.

 

img

 

Ở ngưỡng cửa đầu tiên, những tổn thương dù rất nhỏ, cũng có thể hóa thành một thảm họa khủng khiếp. Tsukuru CHỈ gặp 1 chuyện: Đó là bị 4 người bạn trong nhóm bạn thân bỏ rơi – đại khái họ nói không muốn gặp anh nữa, rồi thôi. Từ lúc đó trở đi, anh chìm vào bóng tối, tan biến, khi trở lại cuộc đời thì có một thứ gì đó trong ruột đã trở nên rỗng không, lạnh ngắt. Nếu gọi tên, chắc đó là mất mát.

Những người đã mất mát nhiều thường hạnh phúc, bởi họ biết những mất mát đã xảy ra đủ lớn, để họ phải cố gắng hưởng thụ từng phút giây hạnh phúc thực tại. Nhưng người trẻ vừa lớn, chưa trải qua mất mát, có thể dễ dàng tổn thương tận cùng vì một mất mát nhỏ bé. Cậu Tsukuru nhà giàu, thoải mái, có học thức… tổn thương vì mất bạn. Một tổn thương – nếu gọi ở Việt Nam (hay bất cứ đâu trên thế giới) - ở tuổi đó – là lúc nếm trải mất mát đầu tiên. Cũng chẳng phải cú sốc gì ghê gớm nhưng nó thường đẩy người ta vào một giai đoạn cực kỳ buồn và sầu não.

Cha mẹ, nhà báo, thầy cô.. những người đã nếm trải cực nhọc, không thể nào hiểu vì sao chỉ vì bị bạn nghỉ chơi có thể rạch tay, đập đầu, bỏ ăn, khóc sướt mướt, thì cũng bởi họ đã rời xa khoảng tuổi đó – và họ đã có một tuổi thơ khắc nghiệt hơn rất nhiều, như đói nghèo, chiến tranh, mất người thân.

Sự mất mát đầu tiên thường lớn đến nỗi làm một đứa trẻ tê cứng lại, mỗi người hứng chịu một trải nghiệm khác nhau, vô cùng khó bày tỏ. Với tôi, lần đầu tiên của mất mát là tôi dự đám tang một chú người bạn của gia đình, sau đó, lần đầu tiên tôi nhận ra thể nào cha mẹ mình cũng sẽ mất đi như chú. Tôi tê cứng người, khóc lóc suốt nhiều đêm, bí mật chịu đựng, thậm chí trong nhiều giấc mơ, tôi vừa ngủ vừa khóc, tỉnh dậy thì ướt nhẹp mắt mũi.

Bạn tôi lại khác, cậu gặp vấn đề với cha mẹ. Khi nào có bạn bè tới nhà chơi, ba mẹ cậu luôn nặng lời mắng và đuổi bạn cậu về, vì họ nghĩ bạn bè đã làm cậu lười học. Cậu mất dần đối thoại với họ, tự đẩy mình vào một thế giới riêng. Thậm chí, có một thời gian cậu ngừng nói chuyện.

Một thằng bạn tôi học chung Anh Văn đã đánh nhau với thầy giáo của mình và bỏ học, tuyệt đối không thể nói chuyện với cha mẹ. 1 năm sau thì nó bỏ nhà đi. Sau 3 năm làm ở một xưởng gạch, nó trở về nhà, thi tốt nghiệp bổ túc và thi đại học. Nó phẫn nộ với trường lớp và hành xử của người thầy đó. Chuyện đó không diễn tả được, lẩn khuất thành mất mát, và làm tan rã cảm xúc của nó về những bình an dịu dàng. Mãi đến khi học năm 3 đại học, lần đầu tiên nó và cha mẹ trò chuyện và nói lại về điều đó, tháo gỡ những hiểu nhầm của cuộc bỏ học nhiều năm trước.

Những mất mát đó – tả ra thì nhỏ thật nhỏ, vớ vẩn thật vớ vẩn – nhưng đã đẩy cảm xúc của một người mới lớn hoặc mới ra đời theo một hướng hoàn toàn khác. Họ không biết thể hiện nỗi buồn- vì khi đó mất mát vượt quá cả hơi thở, chỉ còn đủ sức để khóc, để rạch tay, cãi nhau, bỏ học, câm lặng hoặc thức nhiều đêm liên tiếp. Khi ấy, việc nhìn vào mất mát của một đứa trẻ và chế nhạo, đã biến người thân trở thành kẻ thù địch rõ mồn một mà họ phải đối diện. Tôn trọng nỗi buồn nhỏ nhặt của một người đang trong cảm xúc bấp bênh, trò chuyện và xoa dịu họ (dù nghe có thể nỗi buồn đầy màu sắc ngớ ngẩn) có lẽ sẽ giúp đứa trẻ đó vượt qua tổn thương đầu tiên dễ chịu hơn, bình tĩnh hơn.

Tôi chưa bao giờ kể cho cha mẹ tôi nghe tôi đã nghĩ gì sau cái đám tang ấy. Bạn tôi, không bao giờ nói vì sao nó câm lặng mỗi khi đứng trước cha mẹ, mãi đến 6 năm sau này khi nó đã lập gia đình và tôi hỏi chuyện nó. Thằng học Anh văn chung thì không thể giải thích, nó nghĩ không ai cần nghe (nhất là ba nó đã đòi từ nó) và mọi người đã sẵn chừng đó định kiến (là đứa học trò hỏng cơm) dành cho nó rồi.

Mất mát, giận dữ, thiếu ngôn ngữ, thiếu cách hành xử, thiếu sự suy nghĩ thẳng thớm cho mọi hành động, nỗi buồn đẩy những người mong manh vào đường cùng – đặc biệt khi không ai thông cảm mà còn cười nhạo họ, đối kháng họ, chế giễu họ.

Nếu cái nghèo đói là một tổn thương của người lớn, điều đó không có nghĩa trẻ con cũng phải nhìn nghèo đói là một tổn thương (đặc biệt nếu nó chưa từng nghèo). Và nếu bị “quê” vì ba mẹ mắng hay bị bạn gái nghỉ chơi là mất mát của một đứa trẻ, không có nghĩa là nỗi buồn đó nên được coi là “vớ vẩn” (đặc biệt là xuất phát từ miệng những người thân). Sự mất mát đầu tiên của lứa tuổi có thể khiến một người trở nên kiên cường, trưởng thành, hoặc cũng có thể làm mất vĩnh viễn cảm xúc, ước mơ hay sự đối thoại của đứa trẻ trước thế giới.

Nỗi buồn sai ở chỗ nào khi nó sinh ra từ mất mát có thật? – Hay những người trẻ giàu có, thịnh vượng, đầy đủ, giờ đây không được quyền buồn nữa? – Vậy họ sẽ làm gì để lớn lên, cười sằng sặc không cảm xúc, hay phải hát hò tươi vui? – Nếu nỗi buồn không được tôn trọng và đối thoại, những mất mát không thể lành, sự tươi mới bên trong người trẻ sẽ hóa thành một sinh vật méo mó, hài hước... không tả được.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo