Tôi chợt nghĩ đến câu hỏi trên khi một ngày tường Facebook của mình bỗng xuất hiện một status (dòng chia sẻ) của cô bạn kể chuyện bị gia đình dồn ép, bắt buộc phải lấy chồng. Trong khi, cô bạn đó vẫn còn đang muốn “tung tăng tung tẩy”, du lịch khắp nơi cùng bạn bè. Để thuyết phục con gái “yên bề gia thất” ở cái tuổi gần 30, những lý do: phải có chồng để có người chăm sóc lúc ốm đau, không chồng con “heo nái ủi mả”, độc thân là ích kỷ… được các bậc phụ huynh, cậu, dì, chú, bác đưa ra.
Độc thân nhưng đâu phải ích kỷ. Ảnh minh họa
Hẳn nhiên, cô bạn của tôi chẳng nghe lời còn các cư dân mạng lao vào hiến kế, giúp gỡ rối. Tôi chỉ suy nghĩ nhiều đến câu độc thân là ích kỷ. Bởi bản thân tôi cũng đang độc thân và dự định sẽ sống một mình suốt khoảng thời gian ở trọ trần thế này. Chẳng lẽ mình ích kỷ sao ta?
Một số người cho rằng khi chọn cuộc sống một mình, bạn làm buồn lòng cha mẹ, bởi theo truyền thống trước nay ở nước ta “trai lớn cưới vợ, gái lớn gả chồng”. Cha mẹ luôn mong con cái có bạn, có đôi để khi đau ốm, gặp khó khăn có người chăm nom. Nếu mãi chẳng chịu lập gia đình, cha mẹ già không an lòng và đó là ích kỷ thứ nhất. Cuộc sống độc thân khiến bạn chỉ biết chăm lo cho bản thân, lâu dần chẳng nghĩ đến ai vì cứ phải tận lực lo cho mình ổn thỏa sau này. Độc thân chỉ vì hèn nhát, không dám đối mặt với cuộc sống hôn nhân thời hiện đại… Độc thân không chỉ ích kỷ với gia đình còn ích kỷ với xã hội vì ai cũng sống một mình sẽ chẳng thể nào tạo ra gia đình hoàn chỉnh, vốn là hạt giống của xã hội. Một xã hội nhiều người độc thân sẽ giảm tỉ lệ sinh, dẫn đến dân số già cỗi và vô số các vấn đề khác.
Dẫu có vô số dẫn chứng hùng hồn từ các cư dân mạng chỉ trích lối sống độc thân, tôi vẫn thấy mình đâu đến nỗi tệ thế. Xung quanh tôi, số người thích độc thân ngày càng nhiều. Họ có vô vàn lý do: chưa tìm được đối tượng phù hợp, chưa đủ tự tin để dựng xây gia đình, không có niềm tin vào tình yêu... để “một mình, một bóng”. Nhưng thực tế tất cả đều là những phụ nữ mạnh mẽ, có công việc ổn, độc lập và chủ kiến. Không vướng bận gia đình riêng, họ dốc sức lo cho cha mẹ, các cháu trong nhà. Một số người cùng nuôi các cháu bất hạnh mất mẹ, cha đi bước nữa. Một số người chăm lo cha mẹ, nuôi em ăn học. Một số khác không vướng bận cha mẹ, anh chị em lại dành tiền tích lũy làm từ thiện. Họ chẳng những không “sống cho riêng mình” mà còn giàu tình thương hơn ai hết.
Một bạn gái còn khá trẻ từng tâm sự với tôi rằng em chọn sống một mình để hết lòng chăm lo cho người em trai bị thiểu năng. Hiện em trai đó được cha, mẹ chăm sóc nhưng về lâu về dài vẫn cần một người khác thay thế khi cha, mẹ già đi. Tấm lòng của bạn gái trẻ này không phải ai cũng có được, tình thương dành cho em trai bất hạnh cũng bao la, rộng lớn chứ không phải sự nhỏ nhen “lâu dần thành tính” như những quy chụp khác.
Có thể, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nhưng cuộc sống hiện đại nam – nữ bình quyền thực tế đã giúp cho giới nữ thoải mái hơn trong việc lựa chọn lối sống của riêng mình. Những ai không thích vướng bận chuyện gia đình hay muốn “vi vu” nhiều năm nữa vẫn có cơ hội thực hiện việc này chứ không phải cố gắng ép mình vào một gia đình không thoải mái để rồi luôn sống trong căng thẳng, chẳng tạo môi trường tốt cho những đứa trẻ được sinh ra và trưởng thành. Điều này cũng chẳng đem lại tốt đẹp gì cho xã hội.
Không đề cập đến những người tự cho mình cái quyền “độc thân nhưng phải có con” để biện hộ chuyện trở thành “single mom” (làm mẹ đơn thân), ích kỷ cắt đứt quyền có gia đình trọn vẹn của con trẻ, tôi thấy sống một mình chẳng có gì xấu cả. Vì thế, vợ chồng là duyên cũng là nợ, nếu cảm thấy mình không nợ nần ai, bạn cũng nên “nghe theo mách bảo của trái tim”, sống thoải mái một mình làm cho cuộc đời đẹp hơn bằng những hành động có ích, đúng không?
Bình luận (0)