Ảnh minh họa
Chiều nay đi hớt tóc, ông thợ là người có máu văn nghệ, thường mở nhạc cho khách nghe. Tình cờ sao lại mở đúng bài "Ru ta ngậm ngùi" mà mình vẫn thích, nghe đến câu: "Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên…", bất giác nhìn xuống mớ tóc vừa được cắt, chúng rơi lả tả dưới chân. Ôi, tóc ta giờ chẳng còn xanh và ta cũng đâu còn cái hồn nhiên của ngày nào.
Thời gian trôi nhanh quá, mái đầu xanh ngày nào giờ đã điểm trắng như sương.
Tóc đã bạc, giờ là khoảng thời gian dành cho những hồi ức, những kỷ niệm xa xưa, cho ta ôn lại quãng đời đã qua. Ta sẽ có nhiều thời gian để làm những điều xưa mình thích mà không có thời gian, không có dịp để làm. Nhưng ta vẫn hằng mong ước - dù biết là chuyện viễn vông - có cơ hội làm lại từ đầu để tránh không phạm phải những lỗi lầm thời trẻ. Rồi nhớ đến những ân tình dang dở, tự hỏi nếu dịp nào gặp lại người xưa, không biết lòng còn xao xuyến bồi hồi như thời trẻ hay sẽ là hờ hững, dửng dưng. Vẫn thầm ân hận về những vụng dại đã làm người ấy phải chịu bao đau đớn thuở nào.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi, đưa dần những người thân yêu rời xa ta mãi mãi. Những hoài niệm, những nỗi buồn theo năm tháng càng chồng chất nặng oằn hơn. Nhớ câu thơ "Mối sầu như tóc bạc, cứ cắt lại dài ra", cắt làm gì một khi đã biết bao là buồn đau chất chứa tự trước giờ và còn bao nỗi buồn sẽ đến, có cắt cũng hoài công…
Đời người khi tóc bạc cũng như lá vào Thu sẽ úa dần, lòng ta cứ man mác một nỗi buồn thầm lặng bởi cái mong manh và ngắn ngủi của đời người. Cây lá vào Thu thì thật đẹp và vẫn đầy sinh lực khi Đông tàn, Xuân đến, nhưng người càng già thì càng héo úa, hao mòn mỗi độ Xuân về. Vẫn biết rằng ta cứ thản nhiên sống và chấp nhận cái quy luật muôn đời là "Sinh-Lão-Bệnh-Tử" và không ai có thể xoay ngược bánh xe thời gian, nhưng lòng vẫn cứ mãi tiếc nuối một thời tươi trẻ như cây lá mùa Xuân.
Thời gian ơi, xin chậm lại giùm ta!
Bình luận (0)