xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

BỐ DƯỢNG

Truyện ngắn của Trần Minh

Dạo này, bố mẹ nó hay cãi nhau. Chính xác hơn là mẹ hay cằn nhằn bố.

Nào là "vô trách nhiệm", "lười chẩy thây", "bất tài vô dụng" là những từ khóa mẹ thường dùng... Những lúc như thế, bố chỉ im lặng, lên giường trùm chăn kín đầu ngủ. Nếu mẹ không buông tha, bố dắt xe bỏ đi, trở về thể nào cũng nồng nặc mùi rượu.

Nó nghe miết thành quen. Chuyện người lớn. Mặc kệ!

Đùng một cái, bố mẹ dắt nhau ra tòa ly hôn. Hôm ấy, nó cũng tới. Mẹ kể rất nhiều tội về bố trước quan tòa. Bố vẫn im lặng.

Quan tòa hỏi bố: "Anh có đồng ý để chị ấy nuôi con?". Bố chẳng nhìn nó, khẽ gật đầu.

"Úi giời, tưởng là tranh nuôi! Có mà nuôi "vào mắt". Đem thằng bé đến nhà con đĩ ấy ở, nó chả đuổi thẳng cổ về...".

Đề nghị chị trật tự, đây là tòa án chứ không phải nhà chị mà muốn nói gì thì nói. Bà quan tòa có khuôn mặt nghiêm nghị, chiếc biển màu đỏ ghi dòng chữ "Chủ tọa" màu vàng để phía trước mặt mắng mẹ nó.

Phiên tòa kết thúc. Bố đứng đợi trước cổng tòa vẫy tay chào nó, rồi đội sụp chiếc mũ bảo hiểm, phóng xe máy vù đi.

BỐ DƯỢNG- Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhà nó bây giờ thật yên bình, không còn tiếng quát tháo cáu kỉnh của mẹ. Nhưng nó cảm thấy buồn, trống trải. Nó nhớ bố. Không biết, bố có nhớ nó không?

"Mẹ cấm con đến chơi nhà bố". Mẹ nói, rồi đính chính lại: "Mà bố mày làm gì có nhà mà đến...".

Bố có nhà. Nó tình cờ gặp bố đi ra từ một ngôi biệt thự rất đẹp, chỉ cách trường học của nó chừng nửa cây số. Nhìn thấy nó, bố suỵt một tiếng thật dài, đưa ngón tay trỏ ra trước miệng, ám hiệu để nó im lặng. Liếc ngang dọc, bố lấy tờ bạc hai trăm ngàn dúi vào túi quần nó, rồi giục nó mau đi về.

"Lần sau đừng qua đây tìm bố, bố sẽ ra cổng trường gặp và cho tiền". Bố dặn với theo.

Đó là chuyện của một năm về trước. Những cuộc gặp chớp nhoáng giữa bố và nó ở cổng trường cứ thưa dần. Mẹ bảo: "Mày ra rìa rồi, vợ bố đã có em bé!".

***

Sau khi biết tin bố có con với vợ mới, mẹ cứ thẫn thờ, rồi thở dài thườn thượt. Dì đến chơi an ủi mẹ. Dì cũng ly dị chồng nên hiểu chuyện. Dì nhỏ to suốt buổi, lúc về chốt một câu chắc nịch: "Đàn ông chết hết rồi hay sao mà phải buồn. Vui lên!".

Mấy tuần sau, mẹ vui ra mặt. Niềm vui của mẹ tỉ lệ thuận với những buổi tối vắng nhà, khuya muộn mới về. Nó không còn bị bắt đi ngủ sớm như mọi ngày. Nó rủ lũ bạn đi chơi, lang thang, phá phách ngoài đường phố, buồn ngủ ríu mắt mà mẹ vẫn chưa về.

Hai tháng sau, mẹ đưa về một người đàn ông. Đúng ra là một người đàn ông và một bé gái là con ông ta. Con bé ấy kém nó năm tuổi. Mẹ giới thiệu, đây là "dượng" Đức, còn đây là em Hoa. Nhà mình bây giờ có bốn người. Con phải nghe lời bố dượng và không được chành chọe với em.

Nó hiểu rồi! Chính ông ta là nguyên nhân khiến bố mẹ nó bỏ nhau. Ông ta mang bố của nó đi và thế chân vào đó. Vậy thì nó không thể chung sống hòa bình với ông ta được. Nó xác định rõ điều đó.

Nó đang sử dụng hai phòng trên tầng ba. Một phòng học, một phòng ngủ. Đi học về, nó thấy chiếc bàn học đã được bố dượng và mẹ hì hục chuyển sang phòng ngủ của nó. Nó quăng cái cặp sách xuống giường vẻ bực bội ra mặt. Dượng nhìn nó mỉm cười nịnh bợ. Còn mẹ thì nghiêm mặt: "Con nhường phòng bên này cho em Hoa. Cấm tỏ thái độ!"...

"Bây giờ mẹ coi con của dượng hơn cả con đẻ của mình. Mẹ không hỏi ý kiến con mà tự ý cùng ông ấy bê bàn học của con ra ngoài". Nó bất mãn nói rồi đưa ánh mắt sắc lẹm nhìn bố dượng. Nó đùng đùng vào phòng học cũ quăng hết sách vở, búp bê, quần áo của cái Hoa ra ngoài hành lang. Mẹ lao tới, chực giáng một cái tát vào mặt nó, nhưng bị dượng ngăn lại.

Dượng bảo mẹ nó xuống nhà, để dượng nói chuyện với nó như hai người đàn ông. Dượng kéo tay nó vào phòng đóng cửa lại. Nó không chịu, chạy tới mở toang cửa phòng ra. Dượng tranh thủ giải thích với nó về tình cảm của ông ta với mẹ, về sự nương tựa lẫn nhau trong cuộc sống... Nó không nghe. Nó lấy tay bịt chặt hai lỗ tai thể hiện thái độ nhất quyết của mình. Dượng nhìn nó bằng con mắt cảm thông rồi nói: "Dượng không làm phiền con nữa, dượng mong sau này lớn, con sẽ hiểu...".

***

Nó thấy ghen tức thay cho bố. Trước kia, bố không bao giờ nhận được những lời nói dịu dàng, những cử chỉ quan tâm, chiều chuộng từ mẹ, như cách mà mẹ nó đang dành cho dượng. Hơn lúc nào hết, nó rất muốn gặp bố, chỉ để được bố ôm nó vào lòng. Chắc chắn lúc ấy, nó sẽ kể hết cho bố nghe nỗi ấm ức mà nó đang chứng kiến. Nhưng cánh cổng biệt thự lúc nào cũng đóng im ỉm. Giờ tan học, nó ngồi trước cổng mấy tiếng mà không thấy bố ra. Một tuần như vậy đã trôi qua, hôm nay, nó mạnh dạn bấm chuông. Tiếng bính boong dội ra đập vào tai nó. Nhưng cánh cửa vẫn đóng.

Bà hàng xóm nhìn nó ái ngại. Bà chỉ vào chiếc camera gắn trên chiếc trụ tường rào nói: "Ông ấy chỉ mở cửa khi nhìn thấy người đứng ngoài có đáng được tiếp chuyện hay không. Cháu không phải đối tượng mà ông ấy muốn gặp. Về đi...".

Nó không tin. Chẳng nhẽ bố nó lại không muốn gặp đứa con đẻ của mình? Sự kiên trì của nó đã được đền đáp. Nó được gặp bố. Vẫn là thái độ lấm lét, nhìn ngang, ngó dọc như mọi lần. Bố rút trong túi mấy tờ giấy bạc nhét vào túi quần nó. Nó đẩy tay bố ra, nói: "Con không đến xin tiền, con muốn tâm sự với bố". Chưa nghe dứt câu chuyện mà nó kể, bố đã cắt ngang: "Con còn bé, rồi lớn lên sẽ hiểu. Bố chỉ ngắn gọn thế này: Bố mẹ không hợp nên phải chia tay. Gia đình của con bây giờ là mẹ và bố dượng. Con hãy sống hòa thuận với họ, đừng hy vọng gì ở bố".

Nó lủi thủi ra về, bước chân nặng trịch. Nó cứ tưởng, bố sẽ là đồng minh, ít ra cũng là người để nó có thể chia sẻ những bực tức trong lòng. Nhưng thật thất vọng, tâm tư của nó không làm bố bận tâm. Điều bận tâm của bố bây giờ chính là người vợ mới giàu có và những đứa con mới sinh với bà ta. Nó đúng là đã ra rìa. Nó không còn giá trị gì với cả bố và mẹ...

Đã vậy, nó chẳng cần bố, chẳng cần mẹ, chẳng cần ai! Nó sẽ quậy phá để những người sinh ra nó phải hối hận.

***

Nó bỏ học, đi hoang với lũ trẻ bụi đời. Dượng Đức đi khắp thành phố tìm. Thấy nó, dượng nài nỉ bảo nó về nhà. Nó ra điều kiện: "Nếu tôi về ông phải ra đi". Dượng gật đầu đồng ý! Nhưng nó không tin. Nó đã mất lòng tin với tất thảy. Ai cũng nói với nó: "Lớn lên sẽ hiểu". Nó chẳng cần lớn cũng đủ hiểu: Bố thì ham vợ giàu ly hôn mẹ để bỏ rơi nó. Mẹ thì sợ mất lòng dượng, coi con riêng của tình nhân hơn con đẻ của mình. Còn dượng chỉ là kẻ đạo đức giả để kiếm chỗ nương thân...

Nó không về. Nó muốn mẹ phải hối hận mà van xin nó về chứ không phải là dượng. Ông ta không có quyền với nó. Nghĩ vậy, nó tiếp tục tiến sâu hơn vào con đường hư hỏng. Càng lớn, càng giao du nhiều với những tên "anh chị" có số má trên giang hồ, để rồi chính nó cũng dần trở thành một giang hồ có máu mặt, lì lợm, sẵn sàng đâm chém bất cứ kẻ nào trái ý.

Điều gì đến đã xảy đến, nó bị bắt khi cùng đồng bọn mang hung khí đi thanh toán một nhóm giang hồ khác để tranh giành địa bàn bảo kê. Nó không trực tiếp xuống dao cướp đi một mạng người, nhưng được xác định là đồng phạm bị tòa tuyên mức án mười lăm năm tù giam.

Trong trại cải tạo, bố vẫn mất tăm mất tích, mẹ không đến, chỉ có dượng Đức đều đặn một năm hai lần tới thăm nuôi nó. Chắc là mẹ sai đi, chứ dượng với nó chỉ là người dưng. Nó miễn cưỡng gặp, miễn cưỡng nhận những đồ dượng Đức đưa đến.

Thời gian trôi nhanh, nó đã chấp hành được hai phần ba án phạt tù. Nó chẳng mong, nhưng trong lòng thắc mắc: Bố vô trách nhiệm đã đành. Mẹ sao không một lần cùng bố dượng tới thăm nó? Nó mở lời hỏi dượng. Ông ta buồn bã đáp: Bà ấy mắc bệnh nan y, mất cũng được bốn năm rồi...

Mẹ mất, tại sao, dượng vẫn đối xử tốt với nó? Hay ông ta sợ nó về sẽ mất chỗ nương thân? Nó nhếch mép cười rồi nhìn thẳng vào mặt dượng hỏi tiếp: "Cái Hoa đâu? Nó vẫn ở cùng ông chứ?". "Không, nó lấy chồng rồi", dượng định nói thêm điều gì đó nhưng lại thôi.

Nó được đặc xá tha tù trước thời hạn. Nó biết đi đâu nên quyết định sẽ trở về ngôi nhà đã gắn bó với nó thuở ấu thơ.

Dượng Đức bất ngờ khi thấy nó trở về.

Ngôi nhà này, bây giờ nó là chủ. Mà chủ chẳng cần phải hỏi ý kiến người ở nhờ. Nó không nói gì bước lên cầu thang vào phòng nghỉ ngơi.

Lúc trở xuống, nó thấy dượng ngồi ở bàn nước, bên cạnh là một bao tải nhỏ. Nhìn nó, dượng nói: "Dượng vẫn mong con về để thực hiện lời hứa năm xưa".

Nó im lặng nhìn ra ngoài. Thành phố lúc này đã sáng đèn. Dượng cúi xuống khoác bao tải lên vai lầm lũi bước đi.

Một tuần sau, nó bắt gặp dượng lang thang ở bãi rác nhặt phế liệu. Nó bí mật bám theo. Tối hôm đó, dượng ngủ qua đêm ở mái hiên một siêu thị. Thân hình ông co quắp trong một chiếc chăn cáu bẩn.

Trở về nhà, nó sang phòng của cái Hoa, nơi đặt bàn thờ mẹ để thắp cho bà ấy một nén nhang.

Đêm muộn, nó không tài nào ngủ được. Nó nghĩ đến bố, đến mẹ, đến dượng Đức. Nhớ đến câu nói mà người lớn hay biện minh khi nó còn nhỏ. Bây giờ, nó đâu nhỏ nữa, nó đủ trải đời để hiểu nhân tính trong cuộc sống này.

Nó vùng dậy, bước ra khỏi nhà, xuyên vào màn đêm để tới cái siêu thị ấy, nó sẽ thuyết phục dượng trở về sống chung với nó. Nó cần một người cha giúp nó có động lực để làm lại cuộc đời.

Trần Minh

Tên thật: Trần Văn Minh, sinh năm 1970, sống tại Hà Nội. Trần Minh đã có một số truyện ngắn, tản văn đăng trên các báo và tạp chí trong nước.

BỐ DƯỢNG- Ảnh 4.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo