Đầu giờ chiều ngày 27-6, Bộ GD-ĐT đã có thông tin liên quan đến đề thi ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Bộ GD-ĐT cho biết sau khi tiếp nhận phản ánh từ một số cơ quan báo chí liên quan đến đề thi môn ngữ văn trùng với một số suy đoán trên mạng xã hội trước khi kỳ thi diễn ra, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã yêu cầu Hội đồng ra đề thi báo cáo.
Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi môn ngữ văn được ra đúng với cấu trúc, định dạng đã được Bộ GD-ĐT công bố, có sự phân phối hợp lý giữa phần thơ và phần văn.
Phần đọc hiểu của đề thi bàn về sự sáng tạo và trách nhiệm của người nghệ sĩ, những yếu tố tạo nên lịch sử nghệ thuật của nhân loại, không trùng với những suy đoán trước đó.
Về câu nghị luận xã hội (phần làm văn), dù vào chủ đề gì cũng luôn yêu cầu thí sinh phải có liên hệ thực tiễn, nêu được suy nghĩ, tình cảm, nhận xét, trách nhiệm của mình đối với vấn đề đó nhằm bảo đảm tính thực tiễn, định hướng giáo dục, bồi đắp tâm hồn, nhân cách mà nhiều tài liệu, tác phẩm... đều hướng tới.
Số lượng tác phẩm văn học trong chương trình hiện hành và phạm vi ra đề là có giới hạn. Do đó, việc suy đoán đúng tên tác phẩm, tác giả được sử dụng trong đề thi là ngẫu nhiên và có thể xảy ra.
Tuy nhiên, đề thi sử dụng toàn bộ tác phẩm hay một phần tác phẩm hoặc một phần cụ thể nào của tác phẩm cũng như yêu cầu (lệnh hỏi) đối với thí sinh là hoàn toàn khác biệt so với suy đoán trước đó.
Đến thời điểm này, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 khẳng định đề thi môn ngữ văn đã được bảo mật tuyệt đối.
Nhận xét về đề thi ngữ văn, TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn, Hệ thống giáo dục Hocmai, cho rằng cấu trúc, kiểu dạng và mức độ nhận thức trong các câu hỏi không có những bất ngờ, không làm khó nhưng cũng không đem tới nhiều sự hứng thú. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.
Phần đọc hiểu (3 điểm) là những câu hỏi nhận biết về nội dung văn bản thực chất chỉ cần "nhận biết" và chép lại một chi tiết của đoạn trích, đó là yêu cầu có thể thực hiện quá mức dễ dàng. Câu 3 là câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng vốn hiểu biết về kiến thức tiếng Việt, về văn chương, nghệ thuật và cuộc sống để diễn giải được giá trị biểu đạt và biểu cảm của phép so sánh liên tưởng giữa dòng chảy của con sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật trong đoạn trích.
Trong khi câu hỏi số 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lối sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả trong đoạn trích "Nếu tách rời từng giọt nước ra khỏi sự thống nhất của đại dương thì chúng ta chỉ nhìn thấy những giọt nước nhỏ bé, đơn độc và dần dần biến mất".
Thí sinh sẽ không khó khi tìm thấy thông điệp, bài học cho lối sống của bản thân mình, đó là bài học về sự tồn tại có ý nghĩa khi gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng. Đây là câu hỏi có khả năng phân loại học sinh tương đối tốt khi hướng trả lời, cách lập luận phụ thuộc nhiều vào tư duy và bản lĩnh độc lập, tự chủ của học sinh.
"Nhìn chung, các câu hỏi đọc hiểu rất vừa sức với học sinh, đảm bảo đúng các mức độ nhận thức, có ý nghĩa thực tế với cách sống của các em sau này"- TS Trịnh Thu Tuyết nói.
Phần Làm văn (7,0 điểm): Giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).Câu 1 (2,0 điểm), yêu cầu "Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính" ít nhiều có thể tạo bất ngờ và hứng thú cho thí sinh khi làm bài .
"Có thể thấy đây là câu hỏi không mới nhưng khá thiết thực, tạo hứng thú với những học trò đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới mẻ của cuộc sống, nơi các em phải thể hiện năng lực và bản lĩnh cá nhân, thể hiện cá tính riêng của mình trong hành trình tới với thành công" - TS ngữ văn đánh giá.
Bình luận (0)