Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ mùa tuyển sinh 2025, Bộ GD-ĐT sẽ giới hạn xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu. Lý giải về quy định này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng việc xét tuyển sớm thời gian qua gây ra nhiều xáo trộn.
Nhiều xáo trộn, bất công
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, khi tiến hành xét tuyển, các trường không dự đoán được thí sinh ảo dẫn đến tâm lý muốn xét tuyển sớm để đủ chỉ tiêu, từ đó xác định điểm chuẩn không chắc chắn.
Thường là các trường để điểm chuẩn trúng tuyển hạ thấp đi để có thí sinh trúng tuyển nhiều hơn. Chính điều này đã dẫn đến điểm chuẩn trong đợt tuyển sinh chính của một số ngành tăng vọt, đó là điểm không công bằng.
Sự bất công này dẫn đến chất lượng không bảo đảm, có những em được 25 điểm có khả năng trúng tuyển nhưng sau đó điểm chuẩn nâng lên 26 điểm vì có những em đã trúng tuyển theo diện tuyển sinh sớm.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói thêm, vì xét tuyển sớm nên nhiều em chưa hoàn thành chương trình lớp 12 đã tham gia xét tuyển đại học, cũng dẫn đến sự không công bằng. Thí sinh trúng tuyển sớm chỉ xét tuyển dựa trên kết quả 5 kỳ học, trong khi tất cả các em đều đến tháng 5 mới hoàn thành chương trình trung học phổ thông.
Một điểm tác động tiêu cực nữa là có rất nhiều em có tâm lý trúng tuyển rồi không quan tâm đến chương trình học ở trung học phổ thông. Có học sinh đến lớp chỉ ngồi chơi hoặc không đến lớp nữa vì đã biết mình trúng tuyển. Chương trình giáo dục phổ thông kéo dài 6 học kỳ, việc bỏ mất một học kỳ nhất định sẽ không bảo đảm chất lượng đầu ra.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, điều này càng thấy rõ hơn ở học sinh trường chuyên. Thậm chí có em trúng tuyển vào lớp 10 trường chuyên đã yên tâm trúng tuyển đại học và chỉ tập trung học những gì mình thích, thiếu đi sự toàn diện.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay Bộ GD-ĐT đã lắng nghe ý kiến đóng góp và rút ra thực tiễn. Khi điều chỉnh, khống chế tỉ lệ xét tuyển thẳng 20%, chỉ những em nào thực sự có năng lực trội thì mới được tuyển thẳng, xét tuyển sớm. Còn lại hầu hết các em sẽ tham gia kỳ thi chính của bộ. Với giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm, tỉ lệ trúng tuyển khoảng 5%-7%, các thí sinh tập trung vào xét tuyển bình đẳng.
Bỏ hay là điều chỉnh?
Cũng theo Thứ trưởng, nhiều ý kiến của các chuyên gia, người làm công tác tuyển sinh thời gian qua còn đề nghị bỏ xét tuyển sớm. Bộ sẽ cân nhắc điều này, xem xét nên rút bớt tỉ lệ hay bỏ xét tuyển sớm để tạo sự công bằng.
Tại cuộc tọa đàm với các chuyên gia, đại diện cơ sở giáo dục đại học, Sở GD-ĐT để lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức, nhiều trường đại học đề xuất không giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm trong 20% mà nên bỏ luôn.
TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, phản ánh thực tế nhiều học sinh đỗ vào trường chuyên có tâm lý chỉ học môn chuyên và môn phục vụ xét tuyển, dẫn đến gặp nhiều khó khăn ở bậc đại học. Trong khi đó, việc học đại học đòi hỏi kiến thức toàn diện của nhiều môn học khác ở bậc phổ thông.
TS Võ Thanh Hải cho rằng chỉ giữ lại xét tuyển sớm theo phương thức tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế. Đây là nhóm học sinh tài năng xứng đáng có sự ưu tiên.
PGS-TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính, cho rằng việc xét tuyển sớm "làm rối loạn dưới các trường phổ thông". Khi các trường cạnh tranh xét tuyển sớm, theo ông, học sinh lớp 12 ra Tết là không học hành gì nữa. Vì vậy không cần phải giới hạn ở 20% mà mạnh dạn bỏ luôn xét tuyển thẳng để tạo sân chơi chung an toàn cho tất cả các trường.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT, đề xuất không giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm trong 20% nhưng chỉ cho phép công bố kết quả trúng tuyển sớm cùng đợt công bố chung. Điều này vừa bảo đảm quyền tự chủ của các trường, vừa bảo đảm học sinh lớp 12 không lơ là việc học tập.
Bộ chỉ nên giám sát việc tuyển sinh
Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP HCM cho rằng những năm gần đây Bộ GD-ĐT quy định thí sinh dù trúng tuyển xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký lại trên hệ thống xét tuyển chung. Thực tế, khi trúng tuyển sớm thí sinh không bị bắt buộc phải nhập học mà nhiều thí sinh còn đặt nguyện vọng ở phương thức xét tuyển sớm sau nguyện vọng của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp nhằm tìm kiếm cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường yêu thích hơn.
Theo phó hiệu trưởng này, Bộ GD-ĐT chỉ nên giám sát kết quả xét tuyển dựa theo phân bổ tỉ lệ chỉ tiêu theo từng phương thức mà các trường đã ghi trong đề án tuyển sinh, chứ không nên quy định tỉ lệ xét tuyển sớm là bao nhiêu.
H.Lân
Bình luận (0)