Tại Hà Nội, do nhu cầu mua sắm tăng cao hơn ngày thường nên giá một số mặt hàng sát Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tăng nhẹ. Giá cả một số mặt hàng thiết yếu nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Nguyên đán như nhóm lương thực, thực phẩm rau củ quả, giá cả cơ bản ổn định, chỉ tăng nhẹ so với ngày thường.
Thời điểm những ngày trước Tết Nguyên đán thị trường hàng hóa dồi dào, đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.
Tại TP HCM, theo Cục Quản lý giá, nguồn hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, đầy đủ, đa dạng các loại mặt hàng, đảm bảo được nhu cầu mua sắm của người dân. Tình hình giá cả tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi ổn định, không có tình trạng tăng giá bất hợp lý. Các hệ thống siêu thị, bán lẻ cũng tăng thời gian bán hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Giá cả lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu ổn định.
Theo Cục Quản lý giá, trong ngày 29 tháng Chạp, sức mua của người dân tăng nên giá một số mặt hàng cũng dao động và tăng nhẹ. Giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn ổn định không có dấu hiệu tăng giá bất hợp lý.
Qua nắm bắt tình hình của cơ quan quản lý giá tại An Giang, Cần Thơ, Hải Phòng..., nguồn hàng đều dồi dào, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá bất hợp lý. Sức mua hàng hóa tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích tại hầu hết các địa phương vào thời gian này tăng mạnh so với tháng trước. Các doanh nghiệp cũng tăng cường nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn vào dịp cuối năm với giá cả hợp lý.
Giá cả sẽ cơ bản ổn định vào ngày 30 Tết Nguyên đán
Theo báo cáo của một số địa phương và ghi nhận tình hình chung, Cục Quản lý giá nhấn mạnh trong ngày nghỉ Tết Nguyên đán đầu tiên, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu về cơ bản không có biến động bất thường.
Cục Quản lý giá dự báo giá cả thị trường ngày 9-2 (ngày 30 Tết), sẽ cơ bản ổn định do tại các tỉnh, thành phố lớn, bởi đại đa số người lao động ngoại tỉnh đã về quê ăn tết, người dân đa phần đã mua sắm dự trữ trước tết, do đó nhu cầu giảm đáng kể.
Giá hàng hóa tiêu dùng một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như: Gà ta, thủy hải sản, rau củ xanh và một số dịch vụ tham quan du lịch dự báo có thể tăng nhẹ. Lượng người mua sắm sẽ tập trung cho đến khoảng quá trưa ngày 30 Tết, sau đó các cửa hàng tại chợ các chợ truyền thống cũng dọn hàng và đóng cửa nghỉ Tết.
Theo Cục Quản lý giá, một số siêu thị tại một số các tỉnh, thành phố lớn vẫn mở bán đến chiều tối ngày 30 Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm, dự trữ của người dân, do đó nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đầy đủ trên các địa bàn tại các địa phương trong cả nước.
Bình luận (0)