Thông tin tới báo chí tại cuộc họp báo Quý I/2024 chiều 29-3 về vấn đề mức giảm trừ gia cảnh, ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết căn cứ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là sửa luật hoặc khi chỉ số giá tiêu dùng biến động 20%.
Theo ông Tuấn, luật Thuế thu nhập cá nhân quy định chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
"Từ năm 2009, khi luật thuế này có hiệu lực thi hành đến nay, Bộ Tài chính luôn chủ động rà soát, tham mưu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với thực tế"- ông Tuấn cho hay.
Mức giảm trừ gia cảnh ban đầu khi áp dụng luật đối với người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng. Năm 2012, Chính phủ trình Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ gia cảnh đã thay đổi vào năm 2020, khi nâng từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng.
Theo ông Trương Bá Tuấn, qua theo dõi chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2020 đến nay, mức biến động chưa đến 20%. Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi diễn biến của chỉ số này để chủ động đề xuất theo quy định trong thời gian tới.
Đối với việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, ông Trương Bá Tuấn cho biết lộ trình là năm 2025. Lộ trình này đã được Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền. "Khi sửa đổi luật này, chúng tôi sẽ sửa tổng thể các nội dung gồm thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế, mức giảm trừ gia cảnh"- ông Tuấn nêu rõ.
Trước đó, tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2024, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.
Bình luận (0)