Liên quan tới vụ san lấp vùng đệm vịnh Hạ Long làm khu đô thị, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa có công văn phúc đáp Bộ Xây dựng.
Theo đó, phúc đáp văn bản số 5427/BXD-TTr của Bộ Xây dựng về việc cho ý kiến đối với nội dung liên quan đến dự án Khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh (gọi tắt là dự án), Bộ TN-MT cho rằng tờ bản đồ Vịnh Hạ Long tỷ lệ 1:50.000, số đăng ký KHXB:6-472/CXB-QLXB ngày 18-6-1998 do Ban Quản lý Vịnh Hạ Long biên soạn về nội dung, Trung tâm Biên tập - CNC - Nhà xuất bản Bản đồ, là đơn vị vẽ, trình bày và chế bản.
Theo quy định Luật Đo đạc, bản đồ năm 2018, Bản đồ Vịnh Hạ Long tỷ lệ 1:50.000 là bản đồ chuyên ngành. Do vậy, căn cứ khoản 5 Điều 31 và khoản 2 Điều 57 Luật Đo đạc và bản đồ, nội dung bản đồ chuyên ngành nêu trên không thuộc phạm vi quản lý của Bộ TN-MT.
Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Bộ TN-MT khẳng định theo quy định tại khoản 1 điều 35 Luật Bảo vệ môi trường, dự án đầu tư có cấu phần xây dựng thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng và thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo điều 31 Luật Đầu tư 2020, những dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng, gồm: Dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số, thuộc phạm vi bảo vệ di tích được cấp thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 1 của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt hoặc thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 2 của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới.
Theo Bộ TN-MT, danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo điều 32 Luật Di sản văn hóa quy định các khu vực bảo vệ của di tích phải được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc trên thực địa.
Vì vậy, Bộ TN-MT đề nghị Bộ Xây dựng tham vấn thêm ý kiến của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, để so sánh, đối chiếu vị trí thực hiện dự án với các khu vực bảo vệ của di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long, từ đó xác định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định báo cáo ĐTM dự án khu đô thị 10B, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả.
Cần đối chiếu khu vực bảo vệ của di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long
Bộ TN-MT cũng cho rằng vịnh Hạ Long vừa là di sản thế giới, vừa là khu danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, nên cần phải đối chiếu diện tích đất thực hiện dự án với ranh giới của vịnh Hạ Long khi được xác lập, công nhận là di sản thế giới, danh lam thắng cảnh xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt.
Khu đô thị 10B phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, do Công ty TNHH Đỗ Gia Capital đầu tư có tổng diện tích 31,8 ha, trong đó có 3,88 ha nằm trong vùng đệm của vịnh Hạ Long.
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc kiểm tra dự án khu đô thị 10B, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh - dự án lấn vùng đệm vịnh Hạ Long, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo thanh tra bộ vào cuộc kiểm tra dự án này.
Bộ Xây dựng đề nghị Bộ TN-MT, làm rõ: "Bản đồ vịnh Hạ Long tỉ lệ 1/50.000, số đăng ký KHXB:6-472/CXB-QLXB ngày 18-6-1998 được đăng tải trên trang điện tử của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) có đủ cơ sở pháp lý theo quy định pháp luật Việt Nam không? Nếu có đủ cơ sở pháp lý thì thông tin thể hiện trên bản đồ có đủ cơ sở để xác định phạm vi, diện tích khu bảo vệ I và II của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long?".
Bình luận (0)