Sáng 4-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đặng Quốc Khánh đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề liên quan lĩnh vực tài nguyên môi trường.
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP HCM) nêu thực trạng thiếu vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có các dự án cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo bà Trần Kim Yến, việc khai thác cát biển cũng đặt ra không ít thách thức cho môi trường, nguy cơ nhiễm mặn khi sử dụng làm san lấp công trình. "Bộ trưởng có giải pháp trước mắt và lâu dài như thế nào vừa để đảm bảo mục tiêu có vật liệu xây dựng nhưng không làm ảnh hưởng môi trường khi khai thác cát biển"- đại biểu Trần Kim Yến chất vấn.
Trả lời đại biểu đoàn TP HCM, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết nguồn vật liệu, đặc biệt là cát cho thi công các dự án cao tốc hiện rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá để sử dụng cát biển san lấp.
Hiện, Bộ GTVT đang thí điểm sử dụng cát biển để san lấp. Kết quả thí điểm ban đầu cho thấy cát biển có thể sử dụng để san lấp, thi công đường. "Bộ TN-MT đang được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng, khu vực để lấy cát biển. Vừa qua, Bộ đã hoàn thành đánh giá trữ lượng ở vùng biển thuộc tỉnh Sóc Trăng, với trữ lượng có thể lấy ngay khoảng 245 triệu m3, cách bờ khoảng 20 km, thân mỏ có chiều sâu khoảng 7 mét. Chúng tôi khuyến cáo nếu khai thác, chỉ lấy cát khoảng 2 mét để tránh tác động đến môi trường"- ông Đặng Quốc Khánh cho hay.
Trữ lượng cát biển rất lớn, hiện đã được sử dụng trong san lấp các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển. Như đại biểu Quốc hội đã nêu ở trên, ông Đặng Quốc Khánh cho rằng lo ngại nhiễm mặn khi sử dụng cát biển để san lấp là có cơ sở.
Theo Bộ trưởng, khi sử dụng cát biển, cần phải đánh giá tác động môi trường và tốt nhất nên sử dụng ở các khu vực đã bị nhiễm mặn. Cát biển đảm bảo nguyên tắc là không gây nhiễm mặn cho môi trường xung quanh. "Tuỳ từng dự án, khu vực sẽ được đánh giá tác động môi trường để sử dụng cát biển làm san lấp"- Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói và cho biết nếu cát biển được đưa vào danh mục là vật liệu xây dựng, Bộ sẽ có tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định thể.
Nêu vấn đề về đất hiếm ở Việt Nam, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh về trữ lượng của loại khoáng sản này, cũng như công tác khai thác, sử dụng thời gian qua?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Việt Nam có trữ lượng đất hiếm khoảng hơn 20,7 triệu tấn. Vừa qua, Thủ tướng đã giao Bộ TN-MT thực hiện đề án điều tra, đánh giá trữ lượng tổng thể của đất hiếm.
Trên cơ sở đánh giá trữ lượng, Chính phủ giao Bộ TN-MT tính toán các phương án về khai thác, chế biến sâu đất hiếm để phục vụ cho các ngành công nghiệp trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, sản xuất chip.
Người đứng đầu Bộ TN-MT cũng nhìn nhận dù có trữ lượng đất hiếm lớn, song việc khai thác để chế biến sâu của Việt Nam chưa được chú trọng. Cùng với đó, công tác thu hút đầu tư hoặc liên doanh, chuyển giao công nghệ chưa được triển khai. Do đó, Chính phủ giao Bộ TN-MT nghiên cứu, đề xuất các phương án liên quan đến chuyển giao công nghệ.
Theo ông Đặng Quốc Khánh, Bộ TN-MT cũng đã đề nghị các địa phương có trữ lượng đất hiếm lớn như Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai tăng cường công tác quản lý để tránh việc khai thác, buôn bán trái phép.
Bình luận (0)