Thông tin đến Bộ trưởng cùng đoàn công tác, PGS-TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP HCM, đã tóm tắt lịch sử hình thành phát triển của trường, tình hình đội ngũ giảng viên, cũng như các vấn đề liên quan tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học…
Ông Toàn cho biết trường hiện có 602 giảng viên, 5 giáo sư, 31 phó giáo sư. Quy mô đào tạo của trường hiện nay khoảng 20.000 sinh viên, học viên cao học; 12 chương trình đạt chuẩn kiểm định AUN-QA…; định hướng đến năm 2035, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM trở thành trường ĐH nghiên cứu với chất lượng quốc tế.
PGS-TS Nguyễn Tất Toàn nhìn nhận thách thức lớn trong định hướng phát triển nhà trường là chuyển đổi số còn chậm; quốc tế hóa ĐH cũng còn những giới hạn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp; việc đầu tư để phát triển đội ngũ; lương bổng và các chế độ khác cũng là thách thức của trường. Do vậy, trường cần được trang bị, đầu tư cơ sở hạ tầng…
PGS-TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, đánh giá công tác tuyển sinh ĐH của trường đạt kết quả tốt nhưng một số lĩnh vực khác như tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên vẫn thấp hơn so với tỉ lệ chung của cả nước, đào tạo sau ĐH chưa đúng tầm…. Đại diện Vụ tổ chức cán bộ cho rằng đội ngũ GS, PGS lệch pha giữa các khoa trong trường. Cục Quản lý chất lượng gợi ý trường cần tái cấu trúc lại chương trình đào tạo…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý Trường ĐH Nông Lâm TP HCM cần phải xác định chiến lược, tìm ra hướng đi phù hợp, khôn ngoan, sát thực tế… xuất phát từ lợi thế, xu hướng. Đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực đang là xu hướng của các trường ĐH nhưng cũng cần xem sức mình tới đâu; xem cái gì là trung tâm, là cốt lõi để dựa vào đó mà phát triển.
Xác định trở thành định hướng ĐH nghiên cứu cũng cần cân nhắc vì con đường vừa xa vừa khó mà chưa chắc đã phù hợp. Phải xác định tính chất của trường là đang lấy đào tạo kỹ sư là quan trọng. Một trường ĐH nghiên cứu thì cần tỉ lệ đào tạo sau ĐH là bao nhiêu trong khi đào tạo sau ĐH còn hạn chế. Nguồn thu từ khoa học công nghệ, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ cũng còn khiêm tốn… liệu trường có đáp ứng được không.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng hiện nay, khoảng cách công nghiệp - nông nghiệp ngày càng hẹp. Câu chuyện tương lai là nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái…, các nội dung này Trường ĐH Nông Lâm TP HCM có thế mạnh. Dù là thế mạnh nhưng sinh viên khu vực Tây Nguyên theo học ở trường chỉ 6%, đó là chưa nói trong 6% đó sinh viên học ngành gì… Do vậy, phải đánh giá, phân tích nhu cầu học, các số liệu đầu vào - đầu ra của sinh viên để sắp xếp lại ngành nghề.
"Với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần chiến lược chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên gia"- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý.
Trước đó, dự và trao quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM đối với PGS-TS Nguyễn Tất Toàn, ông Nguyễn Kim Sơn tin tưởng với những gì đã làm được cùng sự tin tưởng của tập thể nhà trường, PGS-TS Nguyễn Tất Toàn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ trước tập thể nhà trường, ngành Giáo dục và trước xã hội.
Theo ông Sơn, quản trị ĐH hiện đại, ngoài chuyên môn, hiệu trưởng còn là nhà quản trị. Do vậy, phải không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực quản lý. Với Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, đối tượng, phạm vi người học phủ rộng ở nhiều vùng miền, trải dài từ thành thị đến nông thôn; sinh viên với nhiều hoàn cảnh khác nhau… Do vậy, hiệu trưởng còn là một nhà công tác xã hội.
Bình luận (0)