Sáng ngày 29-12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cách đây 5 năm ứng dụng CNTT là phổ biến, chuyển đổi số là rất mới. "Mới nên tinh thần dám khai phá là quan trọng nhất, ai dám khai phá sẽ dẫn đầu" - ông nói.
5 năm qua là chặng đường ngành TT-TT vừa làm vừa khai phá đưa Việt Nam vào nhóm các nước tăng trưởng kinh tế số, thương mại điện tử, chuyển đổi số... nhanh nhất thế giới.
Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (EGDI) của Liên hợp quốc, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức rất cao và có vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên hợp quốc năm 2003.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11 nước về Chính phủ điện tử, tăng 1 bậc so với năm 2022.
Tháng 9-2024, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cũng đã công bố Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu năm 2024 (GCI), theo đó, Việt Nam đã tăng 8 bậc kể từ báo cáo công bố năm 2021, vươn lên vị trí thứ 17/194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đứng thứ 4 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 3 trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về lĩnh vực an ninh mạng.
Việt Nam đạt điểm gần như tuyệt đối cho 5 tiêu chí đánh giá của GCI và được xếp hạng quốc gia bậc 1 "kiểu mẫu" (bậc cao nhất trong 5 bậc), là nhóm các quốc gia "làm gương", đồng thời nằm trong top 3 nhóm các quốc gia dẫn đầu thế giới.
Tháng 11-2024, Liên minh Bưu chính thế giới UPU đã công bố chỉ số tích hợp phát triển bưu chính của Việt Nam, theo đó, Bưu chính Việt Nam năm 2024 được tăng hạng từ nhóm 6 (năm 2023) lên nhóm 8.
Năm 2024, doanh thu toàn ngành TT-TT ước đạt 4.243.984 tỉ đồng, tăng 13,2% so với năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 109.478 tỉ đồng, tăng 15,1% so với năm 2023. Đóng góp vào GDP của ngành TT-TT ước đạt 989.016 tỉ đồng, tăng 11,2% so với năm 2023. Tổng số lao động toàn ngành TT-TT ước khoảng 1.542.994 lao động, tăng 02% so với năm 2023.
Công nghệ là điểm chung cộng lực của 2 Bộ
Năm 2025, đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Bộ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh hạ tầng số, công nghệ số công nghiệp số phải đi trước, đi nhanh hơn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc hợp nhất 2 Bộ TT-TT và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phải tìm được điểm chung cộng lực thì mới mạnh lên.
Bộ KH-CN quản lý về phát triển công nghệ nói chung, Bộ TT-TT quản lý công nghệ thông tin, công nghệ số là công nghệ, nền tảng cho các ngành, lĩnh vực khác. Công nghệ số là công nghệ năng động và quan trọng nhất hiện nay.
Theo Bộ trưởng, công nghệ là điểm chung tạo sự cộng lực của 2 Bộ. Tên mới của 2 Bộ sau khi hợp nhất là Bộ KH-CN và TT vừa bao quát được lĩnh vực 2 Bộ, vừa thể hiện cộng hưởng, cộng lực của 2 Bộ là công nghệ.
Phát triển công nghệ thì chủ yếu là ở doanh nghiệp, trên 50 nghìn doanh nghiệp công nghệ số thuộc quản lý của Bộ TT-TT nay sẽ tiếp cận được nhanh hơn các nghiên cứu khoa học công nghệ của Bộ KH-CN, làm KHCN gần với doanh nghiệp, đưa nhanh hơn kết quả KHCH thành các sản phẩm phục vụ cuộc sống.
"2 Bộ hợp nhất với nhau thành Bộ mới rất quan trọng và lớn của đất nước" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 57 ngày 22-12-2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ Bộ mới hợp nhất là lực lượng nòng cốt hiện thực hóa Nghị quyết đặc biệt quan trọng này.
Bình luận (0)