Ngày 14-3, tại TP HCM, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Vương Quốc Anh và Bắc Ai-Len tại Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề "Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tại Việt Nam - kinh nghiệm từ Vương quốc Anh".
Hội thảo có sự tham dự của bà Emily Hamblin - Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TP HCM.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết Bộ Tư pháp hiện đang giao Tổng cục THADS đang nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Để việc nghiên cứu toàn diện, đầy đủ, cập nhật được những kinh nghiệm hay của thế giới trong lĩnh vực THADS, Bộ Tư pháp rất chú trọng học tập, trao đổi với các quốc gia phát triển về công tác tư pháp nói chung và công tác THADS nói riêng.
Trong khi đó, Vương quốc Anh là cái nôi của hệ thống "common law" với bề dày kinh nghiệm về xây dựng và thực thi pháp luật. Công tác THADS tại đây được thực hiện có hiệu quả với các thiết chế mạnh như: Hiệp hội Thi hành án Tòa án Cấp cao (HCEOA - High Court Enforcement Officers Association) và Hiệp hội Thi hành Dân sự (CIVEA - Civil Enforcement Association), Cơ quan phòng chống tội phạm nghiêm trọng quốc gia (National Crime Agency), Văn phòng Chống gian lận nghiêm trọng (Serious Fraud Office - SFO).
Đặc biệt, việc thu hồi tài sản tham nhũng tại Anh ngoài các cơ chế hình sự còn có các cơ chế thu hồi không qua thủ tục kết tội. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số cũng đang được tích cực triển khai trong nhiều lĩnh vực tại Anh.
"Do đó, tôi tin tưởng rằng, những kinh nghiệm quý giá từ thực tiễn công tác THADS, thu hồi tài sản của Vương quốc Anh cũng như các ý kiến trao đổi của hai chuyên gia sẽ có ý nghĩa quan trọng để chúng tôi cùng trao đổi, chia sẻ, cập nhật thông tin, tham khảo kinh nghiệm" - Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi về những đặc thù, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành các vụ việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản trong những vụ án có yếu tố nước ngoài.
Ông Michael Jackson – Phó Chủ tịch Hiệp hội thi hành án Tòa án cấp cao và ông Alan Smith – Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thi hành án cấp cao của Vương quốc Anh chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản theo cơ chế hình sự, dân sự và thuế; các cơ chế hợp tác, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong quá trình phòng chống tội phạm, thu hồi tài sản tham nhũng; số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động THADS nói chung và thu hồi tài sản nói riêng.
Cần cơ chế, chính sách đặc thù bổ sung cho công tác thu hồi tài sản
Ông Nguyễn Văn Hoà, Cục trưởng Cục THADS TP HCM, cho biết Cục THADS TP là đơn vị đứng đầu cả nước về số tiền phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, kinh tế và số vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo.
Chỉ tính riêng năm 2023, số việc phải thi hành án tham nhũng, kinh tế của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh 468/4879 việc của toàn quốc. Số tiền phải thi hành án là hơn 74.000 tỉ đồng/hơn 97.000 tỉ đồng (chiếm 76,87% số phải thi hành của toàn quốc). Kết quả thu hồi đạt hơn 17.000 tỉ đồng/hơn 20.000 tỉ đồng (chiếm 87,15% số thi hành xong của toàn quốc).
Cũng theo Cục trưởng Cục THADS TP, tuy kết quả thu hồi tài sản mặc dù năm sau cao hơn năm trước nhưng vẫn còn thấp.
Đây là một trong những hạn chế, thách thức trong công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế hiện nay. Số tiền thi hành án trong các vụ án tham nhũng, kinh tế chiếm tỉ lệ tương đối lớn trong tổng số tiền phải thi hành án chiếm 53,32% của toàn TP. Việc thu hồi tài sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra theo tinh thần của Nghị quyết số 96/2019/NQ-QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội.
Để công tác thu hồi tài sản có hiệu quả, bên cạnh các giải pháp đề xuất, Cục trưởng Cục THADS kiến nghị cần có cơ chế, chính sách đặc thù bổ sung cho công tác thu hồi tài sản.
Do công tác này vào những giai đoạn cần yếu tố giải quyết nhanh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong nước hoặc quốc tế. Vì vậy cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và trách nhiệm của người thực thi và đơn vị thực hiện.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện cần nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm các nguyên nhân chủ quan, khách quan, thực trạng, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong công tác thu hồi tài sản đối với các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng từ đó ứng dụng tinh thần xử lý hoặc hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Bình luận (0)