"Trong một sự kiện như thế này, việc Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành điều tra là bình thường. Chúng tôi hoàn toàn hợp tác và không tin rằng chúng tôi là mục tiêu của cuộc điều tra" - Alaska Airlines trả lời Reuters qua e-mail.
Trước đó, tờ The Wall Street Journal đưa tin các nhà điều tra đã liên lạc với một số hành khách và phi hành đoàn của chuyến bay gặp sự cố hôm 5-1 nói trên.
Cuộc điều tra sẽ cung cấp thông tin để Bộ Tư Pháp Mỹ đánh giá liệu Boeing đã tuân thủ thỏa thuận trước đó nhằm dàn xếp cuộc điều tra liên bang sau 2 vụ tai nạn chết người đối với dòng Boeing 737 MAX năm 2018 và 2019 hay không.
Theo tờ Seattle Times, ban lãnh đạo Boeing hôm 8-3 thừa nhận trong lá thư gửi Thượng nghị sĩ Maria Cantwell rằng họ không thể tìm thấy hồ sơ về công việc được thực hiện trên dây chuyền lắp ráp cuối cùng của máy bay 737 MAX ở TP Renton (bang Washington), liên quan đến việc mở và lắp đặt lại mảnh thân bị bung ra trong chuyến bay nói trên.
Đó là mảnh dùng để bịt kín khoảng trống có sẵn trên phần khung trong trường hợp hãng hàng không không chọn lắp cửa thoát hiểm.
Trước đó, trong phiên điều trần của Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ hôm 6-3, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) Jennifer Homendy đã chỉ trích Boeing không hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra của cơ quan này về sự cố, không cung cấp hồ sơ về công việc hoặc tên các nhân viên liên quan.
Tại phiên điều trần này, bà Cantwell đã yêu cầu Boeing phản hồi trong vòng 48 giờ. Theo tờ Seattle Times, câu trả lời của Boeing cho thấy có vẻ như không có hồ sơ được lưu trữ hoặc chúng đã bị xóa.
Dù như thế nào, đây là một sai sót nghiêm trọng và có thể là vi phạm pháp luật trong quy trình sản xuất. Còn theo bà Homendy, NTSB vẫn chưa có danh tính các nhân viên liên quan mà họ yêu cầu.
Sức ép đang gia tăng lên Boeing trong bối cảnh một số máy bay của hãng này gặp sự cố trong tuần rồi. Hôm 8-3, một chiếc Boeing 737 MAX của hãng hàng không United Airlines (Mỹ) đã lăn khỏi đường băng, trượt trên bãi cỏ và nghiêng một bên sau khi hạ cánh xuống sân bay Liên lục địa George Bush (IAH) ở TP Houston, bang Texas - Mỹ.
Theo Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA), sự cố đã khiến 160 hành khách phải sơ tán khẩn cấp. NTSB và FAA cho biết đang điều tra sự cố này.
Trước đó một ngày, một chiếc Boeing 777-200, cũng của United Airlines, chở 249 hành khách từ TP San Francisco - Mỹ đến TP Osaka - Nhật Bản đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Sân bay Quốc tế Los Angeles ở bang California do bị rơi mất một bánh ngay giữa không trung.
Đường băng phải đóng cửa một thời gian ngắn và bánh máy bay làm hư hỏng một số phương tiện khi rơi xuống bãi đậu xe của nhân viên sân bay. Còn vào hôm 4-3, một máy bay cùng hãng và thuộc dòng Boeing 737-900 phải hạ cánh khẩn cấp xuống IAH khi một trong các động cơ phát nổ và bốc cháy trên vùng trời bang Texas.
Bình luận (0)