xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bồi dưỡng bằng hiện vật cho nhân viên y tế: Nơi có, nơi không!

Bài và ảnh: TIẾN ĐẠT

Dù quy định việc chi trả hiện vật cho nhân viên y tế đã hướng dẫn rõ ràng nhưng tại TP HCM vẫn xảy ra tình trạng nơi có, nơi không, thậm chí giá trúng thầu cao hơn bán lẻ gây nên sự bất bình

Kể từ khi Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH quy định về việc "Bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại" có hiệu lực từ ngày 1-3-2023 đã hơn 1 năm và nếu tính theo Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH là đã gần 11 năm, thế nhưng nhân viên Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM) vẫn "ngoài vùng phủ sóng" các quy định này.

10 năm "vắng bóng"

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số nhân viên các khoa cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, khám bệnh... của Bệnh viện Trưng Vương đều khẳng định hơn 10 năm qua, họ chưa được biết "hình dáng, mùi vị, màu sắc" của hiện vật ra sao. "Luật và thông tư quy định rõ, ngay cả trong quy chế chi tiêu hằng năm của bệnh viện cũng đề cập. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà cả bệnh viện không ai được hưởng. Chúng tôi đã từng đặt vấn đề trong một số buổi họp bệnh viện nhưng không thấy lãnh đạo trả lời" - một bác sĩ khẳng định.

Trước ý kiến này, trưởng phòng tổ chức cán bộ Bệnh viện Trưng Vương phân trần: "Qua rà soát thì năm 2013 bệnh viện có thực hiện chính sách bồi dưỡng bằng hiện vật theo Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH nhưng lại quy ra chi trả bằng tiền. Tuy nhiên, sau đó việc này bị xem là vi phạm, thanh tra nhắc nhở nên bệnh viện đã xem xét, chấn chỉnh lại. Sau đó, theo kết quả đo đạc, quan trắc môi trường tại các khu vực khoa, phòng trong bệnh viện đều nằm trong phạm vi an toàn nên chế độ này bị ngừng luôn từ 2013 đến nay".

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, điều 3, Thông tư 24 ghi rõ: Nếu người lao động làm việc trong môi trường lao động có ít nhất 1 trong 2 yếu tố "có yếu tố nguy hiểm độc hại không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế" hoặc "tiếp xúc với ít nhất 1 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm (số thứ tự 10.1, mục A, phụ lục I, ban hành kèm theo Thông tư số 29/12/2021)" thì phải được xem xét bồi dưỡng bằng hiện vật.

Bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương, cho biết thiếu sót này có thể do nguyên nhân chủ quan, khách quan trong lịch sử. "Chúng tôi lấy làm đáng tiếc khi bỏ sót khoản B, điều 3 của Thông tư 24. Sau khi nhận được phản ánh từ Báo Người Lao Động, chúng tôi sẽ lập hội đồng để xem xét thực hiện để bảo đảm quyền lợi cho anh em" - bác sĩ Hớn nói.

Cũng vì "dựa trên kết quả quan trắc môi trường", nhiều năm qua, các y, bác sĩ khối chuyên môn tại Bệnh viện Nguyễn Trãi cũng lọt khỏi danh sách bồi dưỡng bằng hiện vật. "Thời gian qua, thực hiện Thông tư 25/2013 và Thông tư 24/2022, cả bệnh viện chúng tôi với hơn 900 nhân sự, chỉ xét duyệt được 3 người thuộc khối văn thư lưu trữ. Tôi tham gia và phụ trách khối cấp cứu mà cũng như bao anh em khối chuyên môn, có chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đâu" - một phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi thông tin.

Gãy gánh giữa chừng

Trong khi đó, thời gian gần đây, chính sách bồi dưỡng bằng hiện vật tại Bệnh viện TP Thủ Đức cũng "lúc nhặt, lúc thưa". Thời điểm trước dịch COVID-19, Bệnh viện TP Thủ Đức là một trong những đơn vị thực hiện rất tốt chính sách chi trả hiện vật này nhưng từ khi dịch xảy ra thì chế độ này lại khi có khi không. Thậm chí, hiện đã sang giữa quý II/2024 nhưng nhân viên bệnh viện vẫn chưa nhận được chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật của quý I/2024.

Bác sĩ Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, cho biết bệnh viện có hơn 1.500 nhân viên, trong đó mỗi năm có khoảng 500 nhân viên được chi trả bằng hiện vật. Chính sách hỗ trợ bằng hiện vật đã được bệnh viện thực hiện tốt trong nhiều năm trước dịch COVID-19. Trong và sau dịch, do những vấn đề chủ quan và khách quan như dịch bệnh phức tạp, ngân sách bệnh viện khó khăn, chính sách, công tác thực hiện đấu thầu theo quy định mới thay đổi, lãnh đạo bệnh viện cũng thay đổi sau nhiều biến cố nên việc chi trả bằng hiện vật có một vài thời điểm bị gián đoạn, chậm trễ. Cụ thể như năm 2021, 2022 có một số tháng ngưng chi trả hay quý I/2024 thì đang đấu thầu.

Bồi dưỡng bằng hiện vật cho nhân viên y tế: Nơi có, nơi không!- Ảnh 1.

Bệnh viện Trưng Vương - TP HCM trong thời gian dài nhân viên không nhận được chế độ bồi dưỡng hiện vật

Sự thật hiện vật trúng thầu đội giá (!?)

Trước khi thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng nhận được phản ánh từ nhân viên Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn về việc hiện vật bồi dưỡng cho nhân viên có nhiều món hàng trúng thầu giá cao, có dấu hiệu bị nâng giá. Theo tài liệu chúng tôi có được, trong số 7 mặt hàng trúng gói thầu "Bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật năm 2023-2024" có tổng giá trị hơn 750 triệu đồng tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn thì đa phần mặt hàng trúng thầu đều có giá cao hơn giá bán lẻ tại các siêu thị. Chẳng hạn như nước ngọt chai nhựa 12.000 đồng/chai 390 ml, bò húc Thái Lan thầu là 19.500 đồng/lon, mì ăn liền (khoai tây) 12.000 đồng/gói, nước khoáng LaVie 12.000 đồng/chai/500 ml, sữa đặc có đường 25.000 đồng/hộp, trứng gà 25.000 đồng/vỉ/10 trứng.

Để chứng minh cho việc các mặt hàng trên bị "đội giá", nhân viên Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đã đi ghi nhận thực tế giá bán lẻ một số mặt hàng tại siêu thị và cung cấp cho phóng viên. Cụ thể, giá bò húc Thái Lan là 13.200 đồng/lon, mì gói khoai tây 9.900 đồng/gói, nước khoáng LaVie, nước ngọt chai nhựa các tiệm tạp hóa có giá bán lẻ cũng chỉ 10.000 đồng/chai, trứng gà giá sỉ trên mạng cũng thấp hơn giá trúng thầu. Qua đối chiếu so sánh, họ cũng ghi nhận chỉ được 1/7 "hiện vật" trúng thầu có giá thấp hơn giá bán lẻ. Đó là sữa tươi tiệt trùng có đường, giá 26.000 đồng/lốc/4 hộp (trong khi giá siêu thị là 32.000 đồng/lốc 4 hộp, 57.000 đồng/2 lốc/8 hộp.

Trong khi đó, điều khiến nhân viên Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn bức xúc hơn cả là sự việc đã được phản ánh lên Sở Y tế TP HCM và thanh tra sở đã làm việc với bệnh viện nhưng đến nay mọi chuyện lại rơi vào im lặng. "Lương bổng, phụ cấp của nhân viên tại bệnh viện nhiều năm qua đã vô cùng thấp, được bồi dưỡng một chút hiện vật mà cũng bị nâng giá" - nhiều nhân viên trải lòng.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, cho biết việc thực hiện chính sách chi trả hiện vật trước đây là bằng tiền nhưng từ giữa năm 2023 thực hiện Thông tư 24, bệnh viện chi trả bằng hiện vật. Kết quả xét duyệt toàn bệnh viện có 250 người được hưởng chính sách bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định này. "Chúng tôi xây dựng danh mục dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu thực tế của đa số nhân viên bệnh viện sử dụng trước đó. Quá trình đấu thầu công khai, minh bạch. Có tất cả 4 đơn vị tham gia và nhà thầu đáp ứng các điều kiện tiêu chí, bỏ giá thấp nhất thắng thầu" - ông Sơn thông tin. 

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, trên địa bàn TP HCM, một số bệnh viện thực hiện tốt chính sách bồi dưỡng bằng hiện vật cho nhân viên y tế như: Hùng Vương, Tai Mũi Họng, Lê Văn Thịnh... Tuy nhiên, một số lãnh đạo bệnh viện cũng băn khoăn vì việc thực hiện chi trả hiện vật còn có một số bất cập như: Quy định vẫn còn chung chung hoặc chưa phù hợp với đặc thù của ngành y. Nguồn kinh phí của các đơn vị khác nhau, không phải đơn vị nào cũng tự chủ tài chính hoàn toàn. Một số bệnh viện lớn, bệnh viện chuyên khoa còn có điều kiện thực hiện, song cũng có những đơn vị nguồn thu còn khá eo hẹp nên việc chi trả hiện vật khá khó khăn.

Ngoài ra, có một số vấn đề cần nêu: Việc tính toán các mức thanh toán cũng không đơn giản. Có nhiều mức khác nhau mà áp dụng cho đúng, cho công bằng không dễ. Nhu cầu của nhân viên thì nhiều nhưng về hiện vật chỉ thường chọn vài mặt hàng cơ bản như sữa, mì gói, nước uống... và đặc biệt là với chi phí đa số là 13.000 đồng/ca. Uống hộp sữa thì dư nhưng không đủ mua ổ bánh mì thịt hoặc ăn một tô hủ tiếu gõ. Không lẽ ngày nào cũng sữa. Rồi đấu thầu làm sao? Trong khi chuyển sang nhận tiền mặt thì lại không đúng quy định.

Chưa kể, ngành y là ngành đặc thù, y bác sĩ có những ca trực 12 giờ, 16 giờ và thậm chí là 24 giờ, thế nhưng khi tính thì lại chỉ quy ra tối đa chỉ được tính bằng 8 giờ. Trong khi Thông tư 24/2022 lại chỉ cho phép thanh toán nếu dưới 4 giờ thì được chi trả 50% và từ 4-8 giờ thì được chi đủ.

Một vấn đề cũng cần xem xét đó là môi trường trong bệnh viện là nơi có nhiều nguy cơ và khó kiểm soát. Làm sao biết ai mang bệnh, lây nhiễm mà tính. Có những trường hợp không phải chuyên môn nhưng lại thường tiếp xúc với người bệnh, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm như nhân viên công tác xã hội, nhân viên thu phí... "Thông tư 24 quy định nhân viên y tế gián tiếp chăm sóc, tiếp xúc bệnh nhân tại các bệnh viện tâm thần, phong thì được trong khi nhân viên tiếp xúc gián tiếp với bệnh nhân khác với đa dạng mầm bệnh thì lại chưa có thì cũng thiệt thòi cho anh em" - một lãnh đạo bệnh viện cho biết.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo