Một hai lần còn có thể xem là may mắn nhưng việc bóng chuyền nữ Việt Nam góp mặt ở chung kết AVC Women's Club Championship (mùa này mang phiên hiệu mới AVC Women's Volleyball Champions League) 3 mùa liên tiếp thì hoàn toàn xứng đáng được cộng đồng bóng chuyền khu vực nể phục.
Hành trình đáng tự hào
Có thể còn nhiều ý kiến cho rằng các cường quốc bóng chuyền như Trung Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan hiếm khi cử đội hình tốt nhất tham dự sân chơi châu lục vì trình độ đã quá tầm, từ đó trao cơ hội cho những đối thủ bậc trung. Thực tế cho thấy bất kỳ đấu trường nào cũng tiềm ẩn yếu tố khó lường và thành tích đạt được luôn là điều đáng trân trọng.

VTV Bình Điền Long An giành vé dự World Cup cuối năm 2025 (Ảnh: THIÊN HOÀNG)
Thành quả của LPBank Ninh Bình và VTV Bình Điền Long An 2 năm qua cho thấy bóng chuyền nữ Việt Nam ở cấp độ câu lạc bộ đã hội tụ đủ sức mạnh để có thể tranh chấp thứ hạng cao trong hệ thống giải châu lục. Nếu kỳ tích của LPBank Ninh Bình ghi nhận sự đầu tư đúng đắn cho một tập thể trẻ và giàu khát vọng thì với VTV Bình Điền Long An, đây là thành quả của việc phát triển có định hướng lâu dài trên nền tảng của một đội thể thao chuyên nghiệp có đủ các tuyến trẻ kế cận.
Không chỉ bắt kịp và vượt qua nhiều đối thủ trong khu vực, các đội bóng chuyền Việt Nam đã có thể đua tranh sòng phẳng với nhiều tên tuổi hạng mạnh. LPBank Ninh Bình đánh bại Kuanysk (Kazakhstan) ở bán kết mùa giải 2024, VTV Bình Điền Long An thậm chí còn quật ngã cả Saipa Tehran (vô địch Iran), Taipower Kaohsiung (á quân giải Đài Loan Trung Quốc), Beijing BAIC Motor (hạng 4 Trung Quốc) trên đường tiến vào chung kết mùa giải 2025.
Là đội duy nhất tại giải lấy được một ván từ tay nhà vô địch Zhetysu (Kazakhstan), đội bóng của Thanh Thúy cho thấy nếu có đủ chiều sâu đội hình, họ thừa khả năng chơi ngang ngửa, thậm chí vượt qua đối thủ cực mạnh này. Thực tế cho thấy Zhetysu phụ thuộc rất nhiều vào bộ ba "ngoại binh" Ukraine có trình độ lẫn chiều cao vượt trội trong đội hình ở chiến dịch cúp châu Á lần này.
Quả ngọt từ sự đầu tư bài bản
Từ rất nhiều năm trước, VTV Bình Điền Long An đã là mô hình phát triển được nhiều địa phương học hỏi dù cách làm chẳng thể rập khuôn. Hiếm đội bóng nào có đủ các tuyến từ năng khiếu, trẻ cho đến đội một được đào tạo theo chương trình thống nhất, bài bản.
Đội bóng miền Tây giành mọi danh hiệu của bóng chuyền Việt Nam trên hành trình phát triển của mình, sử dụng nguồn lực được phát triển, rèn giũa tại chỗ.Nhiều cầu thủ Long An đã trở nên quen thuộc với người hâm mộ cả nước, các nhân tố tiêu biểu nhất được triệu tập làm nhiệm vụ ở đội tuyển quốc gia hằng năm, kể cả được cử chinh chiến ở nước ngoài.
Chẳng phải ngẫu nhiên khi điểm qua danh sách các cầu thủ nổi bật của VTV Bình Điền Long An, như Trần Thị Thanh Thúy, Võ Thị Kim Thoa, Nguyễn Khánh Đang, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường đã đánh giá: "Một đội bóng toàn diện phải có sự ổn định từ sự đầu tư, chất lượng cầu thủ và thành tích thi đấu. Chúng tôi đánh giá cao sự đầu tư của VTV Bình Điền Long An và một số đơn vị khác và chính điều này giúp xây dựng hình ảnh tốt cho bóng chuyền Việt Nam".
Còn nhiều trở ngại
Hai năm liên tiếp có đại diện lọt vào tốp 2 châu lục và giành quyền tham dự đấu trường thế giới (FIVB Challenger Cup, FIVB Women's Club World Championship), thế nhưng, cả Sport Center 1 lẫn LPBank Ninh Bình đều không thành công khi vươn ra biển lớn. Đến nay, thành tích tốt nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam chính là tấm huy chương đồng FIVB Challenger Cup 2024 và phần nào đó là chiến tích vào đến bán kết ASIAD 19, đều thuộc về đội tuyển quốc gia.
LPBank Ninh Bình trắng tay ở lần đầu góp mặt tại FIVB Women's Club World Championship 2024 khi các đối thủ có trình độ vượt trội, chưa kể lợi thế về chiều cao và thể lực. Không ai đoan chắc VTV Bình Điền Long An sẽ làm được hơn thế tại giải thế giới cuối năm nay, trừ khi đội bóng này thực hiện những thay đổi cực lớn cả về nhân sự lẫn chiến thuật đấu để sẵn sàng đối đầu sòng phẳng với các "chị đại".
Nhìn lại chặng 1 Giải Vô địch quốc gia 2025 và sau đó là đấu trường Cúp Hùng Vương với những ngoại binh bạc tỉ, không khó để nhận ra bóng chuyền nữ Việt Nam đã bắt đầu nhận được sự quan tâm, đầu tư để thay đổi hẳn diện mạo thay vì chỉ lo trụ hạng.
Được "bật đèn xanh", giờ đây cảnh 2, thậm chí 3 ngoại binh, xuất hiện cùng lúc trên sân đã không còn xa lạ với người hâm mộ bóng chuyền. Bao nhiêu ngoại binh là tùy thuộc nhu cầu, khả năng tài chính nhưng miễn là nhân sự phải đồng bộ với kế hoạch phát triển dài hơi, căn bản của từng đội bóng.
Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam từng kỳ vọng mỗi đội bóng đều phải có sân tập, nhà thi đấu riêng kết hợp cơ sở hạ tầng đồng bộ, kể cả hệ thống đào tạo trẻ. Chưa nhiều đội bóng chuyền nữ, kể cả nam, tại Việt Nam bảo đảm được các tiêu chí này, chủ yếu là do nguồn lực tài chính.
"Năm 2023, ê-kíp Trung tâm Thể thao 1 với thành phần là đội tuyển quốc gia lập kỳ tích khi bất ngờ lên ngôi vô địch AVC Women's Club Championship. LPBank Ninh Bình (2024) và VTV Bình Điền Long An (2025) thì hài lòng với danh hiệu á quân châu lục.

Bình luận (0)