Từ thời điểm đó đến nay bóng đá nam TP HCM sa sút, chưa một lần trở lại ngôi vị cao nhất. Đáng buồn hơn là các đội bóng đại diện TP HCM liên tục rớt hạng, tan rã và lận đận với cuộc đua trụ hạng V-League.
Vinh quang nay còn đâu!
Ở TP HCM, bóng đá là môn thể thao hàng đầu, có sức thu hút mạnh và sự lan tỏa rộng khắp. Có nhiều thời điểm, các khán đài sân Thống Nhất kín người xem để dõi theo những thần tượng như Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Đỗ Khải, Võ Hoàng Bửu… thi đấu trên sân cỏ.
Nhắc tới các đội Hải Quan, Cảng Sài Gòn và CLB Công an TP HCM, người hâm mộ tự hào là những đội bóng của thành phố mang tên Bác, giàu truyền thống và thành tích thi đấu nhất Việt Nam. Các đội bóng này cũng được giới túc cầu Việt Nam nhắc đến khi so sánh với những đối thủ sừng sỏ hàng đầu khu vực phía Bắc lúc ấy, gồm: CLB Quân đội (Thể Công), Công an Hà Nội hay Công nghiệp Hà Nam Ninh…
Từng là địa phương có phong trào bóng đá hàng đầu đất nước, gặt hái vô số danh hiệu ở đấu trường quốc nội và sản sinh không ít tài năng cho đội tuyển quốc gia song TP HCM dần đánh mất bản sắc, không còn đủ lực để có thể đạt thành tích cao. Hải Quan, Cảng Sài Gòn, CLB Công an TP HCM đều không thể trụ vững kể từ khi bóng đá Việt Nam chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp năm 2000. Thật khó tin rằng nguyên nhân cốt lõi khiến bóng đá TP HCM đổ vỡ lại đến từ những khó khăn nhất định trong việc tìm kiếm nhà tài trợ ở nơi được ví von là đầu tàu kinh tế của cả nước. Bóng đá TP HCM cứ thế trượt dài trên bảng tổng sắp quốc gia và đánh mất vị thế đỉnh cao vốn có.
Từ khi bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, TP HCM cũng có nhiều đội bóng tham gia thi đấu. Nhưng tồn tại theo kiểu "ăn xổi ở thì", không có kế hoạch phát triển bền vững, "xây nhà từ nóc"… đã khiến những đại diện của bóng đá TP HCM này sớm tan rã, như trường hợp của các CLB Ngân hàng Đông Á, Sài Gòn Xuân Thành, Sài Gòn FC, NaviBank Sài Gòn…
Hiện tại, CLB TP HCM là đội bóng duy nhất của TP HCM đang thi đấu ở V-League 2023-2024. Từ khi trở lại sân chơi chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam mùa giải 2017, "chiến hạm đỏ" đoạt ngôi á quân V-League 2019. Từ thời điểm đó, vì ảnh hưởng của dịch bệnh, đội chủ sân Thống Nhất rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính, từng hai lần phải rơi vào cảnh nợ lương, thưởng, chi phí "lót tay" của cầu thủ, ban huấn luyện.
Vượt qua khó khăn, "chiến hạm đỏ" chuyển về đại bản doanh mới tại quận 7 (TP HCM) với cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, sân tập có mặt cỏ đạt chuẩn chuyên nghiệp và khu sinh hoạt rộng rãi, hiện đại. Trước thềm mùa giải 2023-2024, CLB TP HCM có nhà tài trợ mới với khoản kinh phí đầu tư khá lớn và được tăng cường nhân lực mạnh mẽ.
Tuy dàn ngoại binh vẫn còn vấp váp, chưa đạt điểm rơi phong độ trong màu áo mới song nhờ sự khởi sắc của dàn nội binh gồm nhiều tài năng trẻ, "chiến hạm đỏ" đang có phong độ thi đấu khá tốt ở mùa này, tạm đứng thứ 6 bảng xếp hạng V-League 2023-2024 với 12 điểm sau 8 vòng đấu.
Vực dậy từ công tác đào tạo trẻ
Nói về tương lai phát triển của CLB TP HCM - ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch CLB TP HCM, cho biết: "Đội bóng xây dựng kế hoạch bài bản việc tuyển chọn, đào tạo tài năng trẻ, giữ vững bản sắc thi đấu của bóng đá TP HCM. Học viện bóng đá Nutifood, Học viện bóng đá Lyon - TP HCM, Học viện Juventus Việt Nam… đang là nguồn cung cấp nhân lực dồi dào, tạo lớp kế thừa tiềm năng cho CLB TP HCM. Chúng tôi cũng liên kết với các đội bóng ở giải đấu hàng đầu châu Âu để tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ được tập huấn, rèn luyện nâng cao trình độ ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp đỉnh cao".
Ông Hùng cũng cho biết CLB TP HCM đang trong quá trình trẻ hóa đội hình nên chưa thể đặt mục tiêu cao ở các giải đấu mùa này. Nhóm cầu thủ trẻ cần thêm thời gian để rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm. Kỳ vọng rằng lứa cầu thủ trẻ này sẽ lấy lại vị thế cho bóng đá TP HCM trên bản đồ bóng đá Việt Nam trong tương lai gần.
Một cổ động viên lão thành bộc bạch: "Tôi đi xem bóng đá TP HCM từ thời người hâm mộ tràn xuống rìa cỏ sân Thống Nhất để ngồi xem. Nên chăng những nhà làm bóng đá cần một cuộc cải tổ triệt để, làm bằng cái tâm và nhất là phải có bản sắc địa phương".
Nhiều ý kiến từ dư luận cho rằng TP HCM nên xây dựng lại 3 học viện có tên gọi gắn với các đội bóng giàu truyền thống địa phương như Cảng Sài Gòn, Hải Quan hay Công an TP HCM để tuyển học viên và kêu gọi lại các cựu cầu thủ của 3 CLB này về giảng dạy, truyền lửa đam mê. Nếu 1 trong 3 học viện ấy có CLB thi đấu V-League thì chắc chắn sân Thống Nhất sẽ không còn chỗ trống. Việc cải tạo nâng cấp sân Thống Nhất hay xây dựng mới thêm một sân vận động hiện đại tại TP HCM là không quá khó bởi nguồn lực xã hội ở TP HCM rất lớn. Quan trọng là cần có cơ chế chính sách phù hợp.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương góp ý: "Tuyển chọn cầu thủ trẻ thông qua trung tâm đào tạo tại TP HCM hoặc thu nạp các cầu thủ là công dân của TP HCM để đào tạo tập trung, tạo ra lớp cầu thủ "cây nhà lá vườn", lưu giữ bản sắc thi đấu và thu hút khán giả. Thời gian vừa qua, khán đài vắng bóng khán giả khi CLB TP HCM hay Sài Gòn FC thi đấu vì họ cho rằng những đại diện này không còn là cái "hồn" của người TP HCM như thời Cảng Sài Gòn nữa".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-1
Bình luận (0)