Giải bóng đá thế giới - FIFA World Cup ra đời năm 1930 nhưng mãi đến năm 1966, giải đấu này mới chứng kiến sự xuất hiện của linh vật. Tại sự kiện ở nước Anh khi đó, linh vật là một chú sư tử với tên gọi Willie, mặc áo phông in hình cờ Vương quốc Anh, được thiết kế bởi họa sĩ Reg Hoye Willie. Với cột mốc đầu tiên từ sư tử Willie, linh vật trở thành một biểu tượng, một yếu tố bắt buộc trong mỗi kỳ World Cup từ đó đến nay.
Tính cả vòng chung kết bóng đá thế giới ở Qatar, có 14 linh vật đã được trình làng. Từ năm 1970 đến 1978, biểu tượng của ngày hội túc cầu lớn nhất hành tinh là những chú bé đi kèm với trái bóng. Trong 2 kỳ World Cup tiếp theo, Tây Ban Nha (1982) và Mexico (1986), xu hướng linh vật chuyển thành các loài thực vật. Khi ngày hội bóng đá thế giới di chuyển đến khu vực Địa Trung Hải, cụ thể là Ý (1990), linh vật được xây dựng là những chiếc que lắp ráp theo hình người khá độc đáo.
Hình dạng của linh vật World Cup 2022 (Ảnh: FOURFOURTWO)
Từ năm 1994 đến 2018, xu hướng các linh vật được xây dựng chuyển sang các loài động vật. Riêng tại World Cup 2002, lần đầu tiên được tổ chức ở châu Á (Hàn Quốc và Nhật Bản), hình tượng linh vật cũng lần đầu tiên được xây dựng theo dạng tưởng tượng, đó là 3 nhân vật do máy tính tạo ra với tên gọi "Ato, Kaz và Niks".
"La’eeb" là tên gọi của linh vật chính thức tại giải đấu năm nay, linh vật của kỳ World Cup Qatar được xây dựng theo hình tượng chiếc mũ truyền thống của người Ả Rập - Keffiyeh. Ngay khi công bố, "La’eeb" đã khiến nhiều người cảm thấy hiếu kỳ và thích thú. Có ý kiến cho rằng linh vật này giống như một "hồn ma" hay "sinh vật ngoài vũ trụ".
"La’eeb" trong tiếng Ả Rập có nghĩa là một cầu thủ có kỹ năng siêu hạng. Ban tổ chức giải khuyến khích mỗi người tự phát huy trí tưởng tượng của bản thân về linh vật này, chứ không bó buộc theo một khuôn khổ nào.
Bình luận (0)