Theo kết quả điều tra này, hàng nghìn lao động Haiti – nạn nhân của vụ động đất lịch sử năm 2010 tại đảo quốc vùng Caribbean – đã tiếp tục trở thành nạn nhân của việc vi phạm quyền con người nghiêm trọng tại quê hương mới Brazil.
Họ chỉ kiếm được khoảng 5 bảng cho 10 giờ làm việc cật lực mỗi ngày, hệt như những lao động khổ sai, để sân vận động Arena Amazonia kịp hoàn thành đúng thời hạn. Mối quan tâm của nhóm nhà báo thực hiện phóng sự điều tra này xuất phát từ việc tìm hiểu mọi việc xung quanh địa điểm thi đấu của đội tuyển Anh tại kỳ World Cup sẽ khai diễn vào tháng 6 tới đây.
Jean-Michel, Onick và Ronain, ba lao động nhập cư người Haiti tại nơi cư ngụ
Jean-Michel, Onick và Ronain, những nhân vật chính trong phóng sự điều tra, dù vậy vẫn còn là những người may mắn nhất trong số khoảng 5.000 người Haiti được phép nhập cư vào Brazil và tìm được công ăn việc làm nhằm kiếm chút công xá gửi về quê nhà giúp đỡ người thân. Sau những giờ lao động căng thẳng, mệt nhọc trên công trường, tất cả lại quay về nơi tá túc là căn phòng nhỏ bé tối tăm, ẩm thấp, đêm đêm chỉ được thắp sáng bằng một ngọn đèn điện nhợt nhạt.
Ronain, ông bố 39 tuổi của ba đứa trẻ, tiết lộ: “Không phải ai cũng may mắn như chúng tôi bởi dù làm việc vất vả nhưng khá nhiều người không nhận đủ mức lương nhỏ bé đã thỏa thuận, thậm chí còn bị đối xử tệ hại”.
Trận động đất năm 2011 tại Haiti đã cướp đi sinh mạng của trên 200.000 người và tàn phá đất nước nhỏ bé nghèo khó này. Brazil đã chấp thuận cho nhiều người dân Haiti nhập cư và tạo điều kiện làm việc cho họ. Chỉ tiếc là mọi thứ không phải màu hồng như cách nghĩ của nhiều người. Chỉ riêng ở thành phố Manaus có đến 5.000 lao động người Haiti và rất nhiều trong số họ nghẹn ngào cho rằng họ bị lừa khi làm việc không công nhiều tháng trời tại công trường xây dựng sân bóng Arena Amazonia trị giá đến 170 triệu bảng Anh này. Một số khác được nhận lương nhưng vẫn rất thấp so với công sức mà họ bỏ ra. Điều đáng nói là họ phải làm việc nhiều hơn để kịp hoàn thành đúng tiến độ trong khi người lao động bản xứ liên tục đình công. Linh mục Felimon Rodriguez, người phụ trách đời sống tâm linh của những lao động Haiti nhập cư tại thành phố Manaus, cho biết các con chiên của ông thường xuyên trở thành con mồi cho các công ty tuyển dụng lao động lừa đảo tại đây. “Không rành thổ ngữ, chẳng biết luật lệ quốc gia sở tại, lại nghèo khó nên họ dễ bị lừa bởi các công ty “ma” mà chỉ khi làm việc cả tháng trời, họ mới biết sẽ chẳng nhận được đồng thù lao nào”, linh mục Rodriguez cho biết.
Cũng sống trong căn phòng ẩm thấp, mốc meo tại một khu nhà chuẩn bị được đập đi xây mới, người đàn ông 39 tuổi Jean Clifford kể về những điều kiện làm việc tệ hại tại sân vận động World Cup, nơi hàng nghìn cổ động viên Anh sẽ đổ bộ đến vào mùa hè tới để ủng hộ cho đội nhà. Ba tháng trước, Clifford chia tay vợ và 5 đứa con nheo nhóc ở quê nhà để sang Manaus làm việc theo bản hợp đồng có mức lương tháng lên đến 900 reals (khoảng 230 bảng Anh), có bảo hiểm lao động và trợ cấp. Tại Manaus, anh phải chia sẻ chỗ ở với ba người khác và không lâu sau khi bắt tay làm việc, anh nhận ra mình phải làm việc cho chuỗi công ty tuyển dụng hoạt động như mafia. Làm việc từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày, không có ngày nghỉ cuối tuần, họ luôn bị đốc thúc vì công trình được xây dựng quá chậm. Ngay cả giờ nghỉ ngơi uống nước hay đi vệ sinh cũng bị nhắc nhở. Người lao động Brazil đình công thì lao động Haiti phải làm việc nhiều hơn và luôn bị đe dọa sa thải. “Họ cư xử với chúng tôi như những nô lệ nhưng không ai dám phản kháng vì sợ mất việc dù biết tiếp tục làm việc là sinh mạng của họ cũng bị đe dọa thường xuyên. Một, hai tuần đầu không được nhận lương, mọi người tỉnh ngộ và bỏ đi tìm công việc khác. Tôi hy vọng các cổ động viên biết được đã có bao nhiêu lao động Haiti làm việc khổ sai tại đây khi họ ngồi theo dõi các trận đấu vào mùa hè tới”, Clifford cho biết như thế.
Godheil Chatelain, thợ làm đường với đơn giá 2 bảng/mét nhưng rồi khi bị đe dọa “sẽ mất mạng nếu khai báo với cảnh sát” và nhận vỏn vẹn 3 bảng tiền công mỗi ngày, anh đã bỏ đi và giờ trở thành công nhân của một trang trại nuôi gà.
Chủ tịch nghiệp đoàn Manaus, Cicero Custodio, cho biết không chỉ có lao động nhập cư bị đối xử tệ như vậy. Gần 60% lao động trong số 1.600 công nhân tại sân Arena Amazonia là người Brazil. Họ nhận việc với thỏa thuận lương bổng hàng tháng là 680 bảng nhưng luôn phàn nàn vì bị trả ít hơn hoặc trả chậm hơn hạn định rất lâu.
Sân Arena Amazonia chính là nơi gây xôn xao dư luận với việc mái che bị sập hồi năm ngoái khiến 2 công nhân thiệt mạng.
Bình luận (0)