Hôm 19-11, Nga tuyên bố bắn hạ 5 trên 6 quả tên lửa do Ukraine phóng vào cơ sở quân sự ở tỉnh Bryansk. Mảnh vỡ tên lửa vẫn rơi trúng cơ sở nói trên nhưng không gây ra thiệt hại.
Ukraine nói đã bắn trúng kho vũ khí nằm sâu trong lãnh thổ Nga, cách biên giới khoảng 110 km và gây ra một loạt vụ nổ thứ cấp. Kiev không tiết lộ loại vũ khí họ đã dùng song phía Nga khẳng định đó chính là ATACMS.
Nếu đúng vậy, đây là lần đầu tiên Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS sau khi nhận sự đồng ý của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần trước.
Moscow lên án quyết định của Washington, cho rằng điều này sẽ biến Mỹ thành bên tham gia xung đột trực tiếp và có thể dẫn đến hành động trả đũa.
Tên lửa ATACMS lao ra khỏi bệ phóng. Ảnh minh họa: Pictorial Press Ltd/Alamy.
Cuộc xung đột vẫn diễn ra dữ dội khi bước qua ngày thứ 1.000, để lại hậu quả nặng nề. Dù quân đội Ukraine đã giành lại một số vùng lãnh thổ trong năm đầu, cuộc xung đột hiện trở thành chuỗi ngày giằng co giữa hai bên trong các chiến hào.
Việc ông Donald Trump sẽ quay lại Nhà Trắng đang đặt ra dấu hỏi cho sự đoàn kết của phương Tây nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội đàm phán chấm dứt xung đột. Tổng thống Zelensky gần đây cũng khẳng định Ukraine phải nỗ lực để kết thúc chiến sự vào năm sau thông qua các biện pháp ngoại giao.
Dù vậy, Reuters nhận định chiến sự dường như vẫn đang leo thang, có thể vì cả Moscow và Kiev muốn cải thiện vị thế trên thực địa trước khi ngồi vào bàn đàm phán.
Hiện tại, Nga được cho là đã điều động 11.000 lính Triều Tiên tới Ukraine. Tổng thống Zelensky cho rằng Bình Nhưỡng có thể triển khai tới 100.000 binh sĩ. Khi mùa đông đến gần, Moscow tái phát động không kích vào hạ tầng điện của Ukraine với nhóm 120 tên lửa và 90 máy bay không người lái. Đây là đợt tấn công lớn nhất kể từ tháng 8.
Khoảng cách giữa các yêu cầu đàm phán của Ukraine và Nga vẫn rất lớn, ít nhất là trong những tuyên bố công khai.
Ukraine vẫn yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và nhận được các đảm bảo an ninh tương tự như NATO. Ngược lại, Nga đòi Ukraine từ bỏ ý định gia nhập NATO và rút quân khỏi các khu vực mà Nga đã đơn phương tuyên bố sáp nhập.
Trong khi đó, Nhà Trắng ngày 19-11 chỉ trích Nga "vô trách nhiệm" sau khi Tổng thống Vladimir Putin nới lỏng các quy định của Moscow về việc tấn công hạt nhân.
Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: "Chúng tôi không ngạc nhiên trước thông báo của Nga về việc cập nhật học thuyết hạt nhân vì Moscow đã để ngỏ ý định này trong vài tuần qua... Chúng tôi chưa nhận thấy thay đổi nào trong tình hình hạt nhân của Nga, do đó cũng không có lý do gì để điều chỉnh học thuyết của Mỹ".
Phản ứng của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc các nhà lãnh đạo G20 không hành động sau khi ông Putin thay đổi quy định về vũ khí hạt nhân.
Bình luận (0)