Phương pháp này chỉ sử dụng 100 microlit máu nhưng có thể phát hiện các dấu ấn sinh học liên quan đến u nguyên bào thần kinh đệm - loại u não phổ biến và nguy hiểm nhất - chỉ trong một giờ. Đây là thành quả của nỗ lực nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học đến từ Trường ĐH Notre Dame (Mỹ) và các nhà khoa học Úc. Mặc dù vẫn còn trong giai đoạn đầu, phương pháp mới này được mô tả là "bước tiến lớn trong chẩn đoán ung thư não".
"Át chủ bài" của hướng tiếp cận kể trên là con chip có thể phát hiện dấu ấn sinh học, hoặc thụ thể yếu tố tăng trưởng thượng bì (EGFR), biểu hiện quá mức ở một số loại ung thư và được tìm thấy trong các túi ngoại bào. Chi phí nguyên liệu để sản xuất con chip sinh học nói trên là chưa đến 2 USD. Mặc dù được phát triển để phát hiện u nguyên bào thần kinh đệm, con chip này có thể được điều chỉnh để chẩn đoán các loại ung thư khác.
Theo đài NDTV, chuyên gia Hsueh-Chia Chang của Trường ĐH Notre Dame cho biết túi ngoại bào là các hạt nano đặc biệt được tế bào tiết ra. Chúng lớn hơn phân tử 10-50 lần và có điện tích yếu. Công nghệ của họ được thiết kế đặc biệt để nhắm vào các hạt nano này, dựa vào tính năng của chúng để đưa ra chẩn đoán nhanh và chính xác. Thách thức sắp tới đối với nhóm nghiên cứu là không nhỏ. Một mặt, họ phải phát triển quy trình có thể phân biệt giữa EGFR hoạt động và không hoạt động. Mặt khác, phải tạo ra công nghệ chẩn đoán nhạy nhưng có chọn lọc trong việc phát hiện EGFR hoạt động ở các túi ngoại bào từ mẫu máu.
Bình luận (0)