PGS-TS Đào Hùng Hạnh, phụ trách Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tối 1-8, ngày đầu tiên bệnh viện triển khai khám bệnh ngoài giờ (từ 17 đến 21 giờ), đã có 200 bệnh nhân đăng ký online hoặc có mặt tại bệnh viện để thăm khám.
Thuận lợi hơn khi khám bệnh ngoài giờ
20 phòng khám thuộc các chuyên khoa "sáng đèn" phục vụ người bệnh và hơn 100 nhân viên y tế hỗ trợ để việc khám chữa bệnh được diễn ra thuận lợi.
PGS Hạnh cũng cho biết các bệnh nhân chủ yếu ở TP Hà Nội, một số bệnh nhân khác ở các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh... sau khi nghe thông tin Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh buổi tối đã đăng ký khám bệnh. Theo PGS Hạnh, thời gian từ 17 đến 21 giờ các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, người dân sẽ có đủ thời gian thực hiện các chiếu chụp, xét nghiệm máu, siêu âm, khám bệnh... Giá dịch vụ y tế không thay đổi.
Ghi nhận ngày đầu tiên triển khai khám bệnh ngoài giờ, số lượng người dân đến khám bệnh không quá đông. Các phòng khám, lấy mẫu xét nghiệm được bố trí cùng tòa nhà. Ấn tượng ban đầu là các bệnh nhân lấy số và vào các phòng khám rất nhanh.
Bà Phạm Thị Lựu (54 tuổi, ở Hải Dương) cho biết bà cùng 5 người bạn khi nghe tin Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh ca tối đã thuê xe đến bệnh viện khám. Bà cho biết giờ hành chính bà vẫn phải làm việc nên cơ thể mệt mỏi cũng không nghỉ việc để đi khám được. Nay bệnh viện khám ca tối rất phù hợp với nhu cầu của người vẫn còn đang đi làm.
"Xếp hàng, chờ đợi mệt mỏi là điều mà tôi rất ngại nên khi đau ốm vẫn chần chừ không đi. Giờ thuận tiện nên chắc chắn sau này cơ thể có vấn đề gì tôi cũng sẽ đi khám ngay"- bà Lựu nói.
Từ tối 1-8, Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu tổ chức khám bệnh từ 17 đến 21 giờ
Chỉ sau 15 phút đăng ký và chờ tới lượt vào khám, bà Nguyễn Thị Mai (74 tuổi, ở Hà Nội) đã được bác sĩ thăm khám, tư vấn và chỉ định một số xét nghiệm cần thiết. Bà Mai cho biết bình thường khi khám ngày bà đều phải xếp hàng chờ đợi hơn 1 tiếng, nhưng khi khám tối khá thuận tiện và nhanh chóng.
"Lúc đầu tôi cũng băn khoăn về việc nếu khám tối phải làm xét nghiệm đo chỉ số đường huyết, mỡ máu, xét nghiệm chức năng gan thận, liệu tôi có phải nhịn ăn cả ngày? Tuy nhiên khi điện thoại tới tổng đài đăng ký đã được nhân viên tận tình hướng dẫn" - bà Mai chia sẻ.
Bác sĩ Trần Minh Thảo, Phó trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết việc khám chữa bệnh vào buổi tối tạo thuận lợi cho người dân ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận có thể tranh thủ thời gian sau giờ làm việc để đi khám bệnh, đồng thời giảm tải cho ban ngày. Người dân đi khám ca tối chắc chắn sẽ vắng hơn, không cần phải chờ đợi lâu, các xét nghiệm cũng 2-3 tiếng là có kết quả.
Trả lời thắc mắc "có phải nhịn ăn cả ngày khi khám bệnh buổi tối?", PGS Đào Hùng Hạnh cho biết cho người dân có nhu cầu đi khám ca tối vẫn ăn sáng bình thường, buổi trưa có thể ăn sớm, ăn nhẹ rồi đợi đến 17 giờ đi khám. Nên nhịn ăn trước 6 giờ để kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu chính xác. Trong trường hợp người bệnh nội soi tiêu hóa cũng chỉ cần nhịn ăn trước 5-6 tiếng.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ có một số xét nghiệm máu không cần nhịn ăn như xét nghiệm nhóm máu; xét nghiệm công thức máu; xét nghiệm viêm gan A, B, C...; xét nghiệm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai…; tầm soát ung thư; xét nghiệm liên quan đến sản khoa; xét nghiệm giun sán...
Giải pháp tạm thời để giảm tải
Ông Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết việc tăng cường ca khám bệnh buổi tối là một trong những giải pháp để phục vụ người bệnh tốt nhất, giảm tải cho ca khám buổi sáng.
Sau khi Ban giám đốc có chủ trương đã nhận được sự đồng thuận của nhân viên y tế trong việc khám bệnh buổi tối để phục vụ người bệnh và có thêm thu nhập. Bệnh viện đã xây dựng lịch làm việc khoa học để đảm bảo sức khỏe cho người lao động mà vẫn phục vụ được người bệnh tốt nhất.
Theo ông Giáp, bệnh viện bố trí đầy đủ phòng khám chuyên khoa tương tự trong giờ hành chính như nội tiết, tiêu hóa, cơ xương khớp, hô hấp, thần kinh, thận tiết niệu, tim mạch, truyền nhiễm, huyết học, hồi sức tích cực, sản, nhi, tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt… Các phòng xét nghiệm, siêu âm, chụp chiếu cũng sẵn sàng phục vụ người dân đến khám tất cả các chuyên khoa và làm các xét nghiệm cận lâm sàng giống như khám ban ngày.
Tuy nhiên, ông Giáp cũng cho rằng việc khám chữa bệnh buổi tối chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết chuyện quá tải bệnh viện. Về lâu dài cần phải có các giải pháp căn cơ, cốt lõi để tăng cường chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới, giúp người dân yên tâm khám chữa bệnh tại địa phương, không dồn lên tuyến trung ương gây quá tải.
Bình luận (0)