Nhiều người tiêu dùng vẫn nghĩ người bán hoa sẽ lỗ nặng, mất Tết. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, người bán hoa kiểng Tết phần lớn là thương lái, chỉ có một số ít nhà vườn đem hoa lên bán trực tiếp.
Theo các nhà vườn, thường trước Tết khoảng 2 tháng, thương lái sẽ tìm đến các vườn hoa ở Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, TP HCM… để xem tình hình canh tác của người trồng như thế nào, sản lượng ra sao, diện tích trồng tăng hay giảm, thời tiết có thuận lợi hay không để nắm bắt sơ bộ để dự trù, tính toán xem có cần đặt cọc giữ chỗ trước hay không.
Ông Hoàng Văn Hiền, chủ vườn hoa ở Sa Đéc, Đồng Tháp, cho biết sau khi nắm bắt sơ bộ, thương lái không chốt ngay mà chờ xem thời tiết khoảng 1 tháng trước Tết có thuận lợi hay không mới tiến hành chốt mua. Đó là trường hợp thuận lợi, nguồn cung nhiều, ngược lại nguồn cung giảm tùy theo mức độ họ sẽ đặt cọc ngay vì lo ngại các thương lái khác sẽ tranh mua đẩy giá lên.
Những người trồng hoa kiểng khẳng định thương lái lúc nào cũng "nắm đằng cán" vì họ viện đủ lý do để đưa ra giá thu mua thấp hơn thị trường từ 20%-30% nên thương lái ít khi bị lỗ.
Bà Hằng (ngụ Chợ Lách, Bến Tre) cho biết thương lái năm nay lấy lý do kinh tế khó khăn, buôn bán ế ẩm để ép giá người trồng hoa kiểng Tết. Nhà vườn không biết bán cho ai nên đành chấp nhận.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, xác nhận người trồng hoa tại địa phương phải giảm giá từ 30%-50% so với năm ngoái thì thương lái mới chịu lấy hàng.
Anh Châu Văn Hoàng, bán hoa các loại tại Công viên Gia Định, TP HCM, có vườn hoa kiểng tại làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp, nói thẳng thương lái lúc nào cũng "thắng". Chẳng hạn một chậu cúc mâm xôi bán Tết năm nay tại TP HCM có giá từ 150.000-200.000 đồng, nhưng thương lái thu mua tại vườn chỉ 50.000-60.000 đồng, cộng thêm chi phí vận chuyển chỉ khoảng 5.000 đồng/giỏ, thuê 1 lô bán Tết tại chợ hoa 3,5 triệu đồng. Nếu bán hết hàng, thương lái có thể lời gấp 3 lần. Dù những ngày cuối, có giảm giá còn 100.000 đồng hay đập bỏ số hoa còn lại thì người bán vẫn cũng không thể lỗ được.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hà, ở Sa Đéc, Đồng Tháp, cho biết mấy tháng trước bà kêu giá cặp mồng gà 40.000-45.000 đồng, vạn thọ 50.000-55.000 đồng nhưng thương lái vẫn đòi giảm thêm mới chịu lấy. Trong khi họ bán tại thành phố với giá trên dưới 200.000 đồng/cặp; kể cả ngày 30 Tết, họ bán tháo 50.000 đồng/cặp cũng đã hòa vốn vì tiền chuyên chở bằng xe tải 500 chậu chỉ khoảng 3 triệu đồng.
Bà Hà tính toán nếu thương lái bán được 1.000 chậu hoa với mức giá 100.000 đồng/chậu, họ sẽ thu về 100 triệu đồng, trừ tiền thuê 2 chuyến xe tải 6 triệu đồng và thuê lô tại công viên 3,5 triệu đồng/lô, nếu thuê 2 lô là 7 triệu đồng và tiền vốn cỡ 30 triệu đồng, họ có thể lãi 60 triệu đồng.
Ông Tú, bán hoa đào Hải Dương tại Công viên 23 Tháng 9, quận 1, TP HCM, xác nhận ông mua đào ở nhà vườn chỉ từ 1-2 triệu đồng/cây, chở vào TP HCM bán những buổi chợ đầu được 5-7 triệu đồng/cây, còn những buổi chợ sau giảm còn 3 triệu đồng vẫn có lãi.
Bình luận (0)