Nữ bệnh nhân ở Thanh Hoá, nhập Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) với chẩn đoán suy tim phân suất tống máu giảm nặng (EF chỉ còn 19%) do bệnh cơ tim giãn, và nhiều biến chứng nguy hiểm.
Với tình trạng suy tim giai đoạn cuối, bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc nhiều năm, sức khỏe không cải thiện, có những cơn khó thở cấp, tràn dịch màng phổi.

Các bác sĩ, chuyên gia ghép tim nhân tạo cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh nhân được các bác sĩ trong nước và quốc tế hội chẩn, chỉ định cấy ghép thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD - Left Ventricular Assist Device) thế hệ thứ 3. Đây là thế hệ mới nhất nhằm thay thế chức năng bên trái của tim.
Thiết bị hoạt động như một chiếc bơm cơ học, bơm máu từ tim đến động mạch chủ, với cấu tạo và cơ chế hoạt động đặc biệt đã tối ưu được dòng máu bơm ra, đồng thời giảm thiểu các nguy cơ huyết khối, tan máu. Thiết bị có dây nối với pin bên ngoài cơ thể, giúp kéo dài thời gian và chất lượng cuộc sống cho người bệnh suy tim giai đoạn muộn.
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ để ghép trái tim nhân tạo, với sự hướng dẫn của GS Jan D.Schmitto, Chủ tịch Hội Tuần hoàn cơ học châu Âu. GS Jan là người đầu tiên trên thế giới cấy thành công LVAD- Heart Mate3.
Sau hai tuần cấy ghép, bệnh nhân đi lại sinh hoạt cá nhân hoàn toàn ổn định và đang được hướng dẫn quy trình chăm sóc để chuẩn bị xuất viện.
Tiến sĩ - bác sĩ Đặng Việt Đức, Phó Viện trưởng Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết thiết bị hỗ trợ thất trái thế hệ thứ 3 là một trong những kỹ thuật tiên tiến nhất, kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực tim mạch, đặc biệt trong điều trị bệnh nhân suy tim nặng.
Trên thế giới, nhiều bệnh nhân sau ghép sống được tới 15 năm và hiện nay LVAD có thể là biện pháp điều trị đích cho những bệnh nhân suy tim.

Ghép thành công thiết bị mới làm việc thay trái tim bị hỏng cho bệnh nhân
Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghép tim nhân tạo. Bệnh viện đã đầu tư, chi trả trên 5 tỉ đồng cho những bệnh nhân đầu tiên thực hiện cấy ghép tim nhân tạo bán phần.
"Thành công này mở ra cơ hội cho hàng nghìn người bệnh suy tim giai đoạn cuối, bởi họ vốn chỉ có cách chờ ghép tim mới có thể sống trong khi nguồn tạng hiến vẫn vô cùng ít ỏi so với số người chờ ghép"- bác sĩ Đức nói.
Suy tim giai đoạn cuối của các bệnh lý tim mạch có tỉ lệ tử vong cao nhất. Khoảng 50% bệnh nhân suy tim không sống quá 5 năm sau khi được bác sĩ chẩn đoán. Với bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, tỉ lệ này còn cao hơn, tiên lượng sống trung bình khoảng 6-12 tháng, tỉ lệ tử vong trên 75% sau một năm.
Bình luận (0)