Trong những ngày đầu tháng 6 này, lịch làm việc của ca sĩ Ánh Tuyết kín mít từ sáng sớm tới tận đêm khuya, có những đêm chị thức tới 3 giờ sáng để làm việc. Chị đang tất bật để hoàn tất album gồm 2 CD nhạc Trịnh và chuẩn bị cho chương trình Con đường âm nhạc – Ánh Tuyết hát như cuộc đời, do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3) tổ chức tại sân khấu Lan Anh (TPHCM) vào tối 12-6.
“Phù thủy” trong âm nhạc
Một buổi sáng cùng chị ngồi nghe album Ánh Tuyết hát Trịnh Công Sơn, tôi sững sờ trước giọng ca trầm rất lạ, thay vì giọng hát cao vút, ngọt ngào trong những ca khúc tiền chiến quen thuộc gắn liền với tên tuổi chị. Chị nói: “Bây giờ mình cũng có tuổi rồi, giọng hát đã tuột xuống một quãng 8 nhưng được tôi luyện qua quá trình sống, thấu hiểu cuộc sống nên vì thế mà tiếng hát của mình cũng đời hơn”.
Chị kể cách đây mấy năm, có lần NSƯT Thành Lộc gọi điện cho chị và nói rằng: “Chị là phù thủy trong âm nhạc. Trong giọng hát của chị có cái gì đó như phá phách. Theo tôi, chỉ khi nào chị hát giọng Alto (giọng trầm) thì chị mới trở về với chính con người mình”. Ánh Tuyết đúng là “phù thủy” khi hát. Dẫu có nhạc đệm hay hát mộc chị cũng thu hút mọi giác quan của khán giả kể cả những người ở những góc khuất xa nhất của khán phòng. Khi ngồi nghe 2 CD nhạc Trịnh của chị, một lần nữa tôi nhận ra lời nhận xét của NSƯT Thành Lộc chính xác đến kinh ngạc.
Ca sĩ Ánh Tuyết (ảnh do nhân vật cung cấp)
Lý giải tại sao mãi tới giờ này chị mới chịu làm album nhạc Trịnh, ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ: “Mình làm album Trịnh Công Sơn muộn màng như vậy không phải vì sợ người ta chê mà mình ngại nhất là bị người ta đem ra so sánh hay đánh chùm mình với số đông. Mình luôn đứng ở một cõi riêng và chấp nhận tách mình như vậy có thể người ta không thấy hoặc cũng có khi rất dễ nhận ra”.
Tâm sự gửi vào tiếng hát
Khi gặp và trò chuyện cùng Ánh Tuyết, bất cứ ai cũng dễ mến chị bởi tính cách cởi mở cùng một “núi” chuyện tiếu lâm và những trận cười sảng khoái sau mỗi câu chuyện… rất dễ khiến người ta lầm tưởng cuộc đời chị chắc hẳn phải viên mãn.
Ánh Tuyết hôm nay có thừa sự tự tin trong cuộc sống và sự nghiệp của mình. Chị quan niệm “cuộc sống không chỉ có nghĩa là cho đi mà còn phải sống thật tốt với chính mình”. Theo chị: “Việc phấn đấu đạt tới đỉnh cao của nghề cũng giống như một người đã thiền tới đỉnh”. Đối với chị, con số 0 là số đẹp nhất, nó là sự khởi đầu và cũng chính là sự kết thúc. Do vậy, chị chọn phương pháp sống cởi mở, hòa đồng. Chị nói: “Chỉ có thể đứng hát một cách tròn trịa trên sân khấu nếu trong đời sống tâm hồn mình nhẹ nhõm và sống có tâm”.
Con đường chông gai
Nhìn Ánh Tuyết hôm nay, không nhiều người biết đến một Ánh Tuyết của mấy mươi năm về trước, lúc chị mới chập chững vào nghề, “hết nạn nọ tới nạn kia”, trong con người chị thường có hai đối cực: tự tin khi hát trên sân khấu và mặc cảm, sợ sệt, nhút nhát tới mức luôn bị người ta hà hiếp phía sau cánh gà và cùng “một tuổi thơ đầy biến cố”.
Trong những trang nhật ký của mình, chị viết: “Mỗi khi mưa về, phố nhỏ buồn chi lạ… Ngày ấy tôi còn nhỏ lắm, ngày ngày với đôi gánh trên vai, cứ mỗi sớm tinh mơ và mỗi trưa chiều đều đặn gánh cơm ra chợ rồi gánh gạo, gánh củi về nhà, thay mẹ làm hết những công việc lớn nhỏ của gia đình. Những trận lũ tràn về cuốn trôi bao chắt chiu, dành dụm, cộng thêm cái lạnh thấu xương của cái xứ miền Trung đầy khắc nghiệt… Tôi luôn nhớ về thời thơ ấu với những hồi ức không mấy ngọt ngào nhưng cũng đầy ắp kỷ niệm vui buồn tràn về, trong dòng lệ đơn độc, lẻ loi, cô quạnh”.
Trụ vững và thăng hoa từ ATB
Sau đêm nhạc Văn Cao, con đường sự nghiệp của chị được mở rộng hơn. Cái tên Ánh Tuyết trở thành một sự bảo đảm cho rất nhiều phòng trà. Trong một tối phải chạy 5 – 6 tụ điểm, chị phóng xe văng mạng. Khoảng cách mỗi phòng trà tới 7 km nhưng chị chỉ chạy không tới 10 phút. Tới lúc về nhà, nằm nghĩ lại, chị bỗng thấy nổi da gà rồi bỏ dần các tụ điểm, chỉ giữ lại một, hai nơi.
Muốn được hát theo đúng con người mình, chị mở phòng trà ATB và coi nó là ngôi nhà thân thiết nhất của mình. Theo chị tới phòng trà trong một đêm nhạc Trịnh, buổi tối đó trời mưa rất lớn, nhân viên gọi cho chị báo chỉ có trên mười người khách. Chị bảo vẫn thực hiện đêm nhạc như bình thường. Khán phòng rộng mênh mông nhưng chỉ loe hoe mười mấy người khách, vậy mà các ca sĩ phòng trà vẫn hát hết mình. Nếu Ánh Tuyết không kết thúc đêm nhạc thì dường như những người khách ấy không ai có ý định rời khỏi ATB.
Chị nói: “Nếu không có ATB có lẽ con đường âm nhạc của mình đã gãy gánh từ lâu rồi”. Yêu và quyết tâm theo một dòng nhạc duy nhất, mặc kệ những biến đổi của thị trường âm nhạc bên ngoài là một cách kinh doanh chẳng giống ai. Chị giống như một người “điếc không sợ súng”. Nhưng có đến ATB, có gặp những ca sĩ và nhân viên của chị, gặp những người khách trung thành lặn lội trời mưa đi nghe nhạc ở phòng trà của Ánh Tuyết, thấy tình cảm của chị dành cho khán giả của mình thì mới hiểu được lý do tại sao chị hy sinh và cố gắng gồng mình để ATB tồn tại.
TỰ HÁT Sớm chiều tiếng hát vui thiên hạ Chợt thấy đời mình mãi phong ba. Ta đi giữa phố đời quen lạ Sải bước thật dài chẳng kịp ta Biết đời là bể sầu khôn tả Vẫn dấn thân vào để thấy ta. (Ánh Tuyết, 1999) |
Bình luận (0)