Giải thưởng âm nhạc Cống hiến lần thứ 6 vừa công bố vào ngày 5-4 đã dành giải Nhạc sĩ của năm cho Lê Cát Trọng Lý, một cô gái mới ngoài 20 tuổi, bước vào nghiệp sáng tác chỉ vài ba năm nay. Người trong giới rất mừng vì điều đó, bởi Lý xứng đáng được hưởng những gì cô đã mang lại cho nền nhạc Việt.
Dấu ấn đậm nét trong sáng tác
Từ khi đặt chân vào TPHCM năm 2007 đến nay, một khoảng thời gian chưa dài nhưng Lý đã làm thay đổi nhiều thứ.
Bắt đầu là gây bất ngờ cho khán giả ở một cuộc thi hát chưa thật nhiều người biết, rồi chinh phục khán giả ở các phòng trà. Có người nói rằng “Chỉ cần một ca sĩ Lê Cát Trọng Lý là đủ tạo ra một không gian âm nhạc cho quán cà phê Yên”.
Lê Cát Trọng Lý hát Chênh vênh trong lễ trao giải Cống hiến lần thứ 6. Ảnh: Xuân Thảo
Chênh vênh của Lý ra đời đã làm thay đổi cuộc đời cô. Từ phòng trà nhỏ hẹp, Lý bước ra sân chơi rộng lớn, mang tính sáng tạo của Bài hát Việt, do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Năm 2008, Lý làm nên “hiện tượng” bằng sáng tác đầu tay này, ca khúc Chênh vênh do cô sáng tác và trình bày đã đoạt giải ca khúc tháng rồi năm của chương trình Bài hát Việt và thêm giải Nhạc sĩ trẻ triển vọng.
Thương em anh trèo non cao/ Mua mưa thâu mây tan mệnh bạc/ Thương anh em lội sông sâu/ Trôi hương, trôi hoa tan phận ngọc/Còn chần chừ chi? Hỡi anh!/ Hôn em, ôm em cho nát chênh vênh/ Ừ, tình là điên - khát say/Hôn em, ôm em sao nát chênh vênh?
(Chênh vênh)
Nhiều người đã thốt lên rằng không thể tin giai điệu này, lời ca này, giọng hát và phong thái trình diễn này là của một cô gái chưa đầy 20 tuổi. Người ta thấy con người Lý hồn nhiên, nhỏ bé trên sân khấu nhưng đã quá lớn trong suy nghĩ, như một người từng trải. Lý giải thích về Chênh vênh: “Đó là cảm xúc sau khi em đọc câu chuyện về Tiên Dung - Chử Đồng Tử”.
Sau khi phát hành album Lê Cát Trọng Lý, Lý cho biết đang chuẩn bị dần một tour diễn xuyên Việt, dự kiến bắt đầu vào tháng 10-2011, qua 6 TP: Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội và TPHCM trong vòng 6 tuần. Lý mong rằng mọi việc sẽ suôn sẻ, tốt đẹp. |
Còn giải thích về sự “quá lớn trong suy nghĩ”, Lý nói: “Thực ra, nếu so sánh với những “bậc thầy” ngày xưa, ở vào độ tuổi như Lý bây giờ thì khả năng lẫn suy nghĩ của mình vẫn còn trẻ con lắm”.
Có người nhận xét rằng: “Ca từ và giai điệu cô viết ra hiền triết trước tuổi, thiền, lạnh, xa, bế tắc, mượt mà, lục cục và êm êm…, như nản, như xoáy, như tiếng tụng kinh, như tiếng của đêm, như tiếng than thở, như tiếng kể chuyện cổ tích rù rì thăm thẳm… nhưng lại rất sang trọng, du dương. Đó là những khúc đồng dao bơ vơ. Những khúc đồng dao hiện diện giữa đời sống mà người ta đã bỏ quên, cô nhắc lại và xoáy vào nỗi cô đơn của người nghe”.
Cảm nhận sâu hơn, có người cho rằng nếu được nghe nhiều ca khúc của Lê Cát Trọng Lý, người ta sẽ thấy giăng mắc trong ca từ của cô là những điển tích. Lý đọc nhiều sách và thường đọc kinh Phật nên âm nhạc của cô đang hướng đến chất “thiền”? Lý nói: “Quả thực Đức Phật và những lời dạy của Ngài ảnh hưởng không ít đến nhận thức của Lý. Từ việc đọc, nghe, quan sát và trực tiếp cảm nhận ở mỗi hoàn cảnh khác nhau, mỗi người sẽ hình thành nên nhận thức mà từ đó những gì liên quan đến họ có thể phản ánh thay chính họ”.
Nghe những ca khúc của Lê Cát Trọng Lý trong album cùng tên vừa mới phát hành của cô: Giấc mộng lớn, Mùa yêu, Chênh vênh, Hương Lạc, Chuyến xe, Không tên, Trời ơi, không phải người nghe nào cũng dễ cảm, nhất là những người trẻ. Có lẽ người ta cần phải nghe lại nhiều lần mới cảm nhận chiều sâu của không gian âm nhạc mà Lê Cát Trọng Lý muốn “vẽ” ra. Điều đó không dễ cho tác phẩm của Lý tiếp cận nhanh chóng với thị hiếu âm nhạc phổ thông hiện nay, nhất là đối với người nghe cùng trang lứa.
Hỏi Lý có thấy như thế là thiệt thòi cho mình, cô nói: “Không chút nào đâu. Lý nghĩ trong một bầu âm nhạc nhiều màu sắc như hiện nay, người ta có nhiều sự lựa chọn ở mỗi thời điểm khác nhau. Nhiệm vụ của nghệ sĩ là làm việc, sáng tạo và biết trân trọng công việc cũng như sự ủng hộ của những người yêu mến mình”.
Lớn hơn trong nhận thức
Lúc lên nhận Giải Cống hiến, Lý trở nên dễ thương trong mắt mọi người bởi tính chân thật và cái sự lúng túng của mình khi phát biểu trước công chúng. Nhưng Lý hôm nay đã lớn hơn nhiều trong nhận thức. Cô từng nói: “Tôi nghĩ tôi bình thường nhưng mọi người nghĩ tôi không bình thường”, song bây giờ Lý cho rằng đó là những suy nghĩ của cách đây 5 năm rồi. “Bây giờ Lý không còn quá quan tâm về việc bình thường hay không bình thường nữa, mà quan trọng là mình có trung thực với chính mình hay không”- cô nói. |
Có lẽ chính suy nghĩ đó mà có người nhận xét về Lý: “Một người làm nghề vừa quyết liệt vừa lơ đãng; vừa tự tin vừa như thoáng chút e dè, thận trọng; vừa đứng ở trong vừa như đứng ngoài thị trường giải trí”.
Chọn đúng con đường
Đang là sinh viên năm đầu Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, cô sinh viên Lê Cát Trọng Lý đã bỏ học, vào TPHCM để thi vào Nhạc viện TPHCM, Khoa Viola. Hình như âm nhạc mới là đường đi hanh thông của cô gái được mệnh danh là “tài năng bẩm sinh từ trong bụng mẹ” này. Lý sinh ra trong một gia đình có năng khiếu về âm nhạc.
Bố là một ca sĩ không gặp thời nên không muốn các con đi theo vết xe đổ của mình. Vì vậy, dù rất yêu âm nhạc nhưng Lý phải thi vào Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Nhưng rồi tình yêu cháy bỏng âm nhạc đã khiến Lý quyết định lại con đường đi cho mình. Lý thuyết phục bố nhiều lần mới được đồng ý cho thi vào Nhạc viện TPHCM.
Sau những gặt hái thành công bất ngờ trên sân khấu Bài hát Việt năm 2008, năm 2009, Lý được chọn hát trong chương trình của ca sĩ Fracis Cabrel diễn ra tại Hà Nội. Năm 2010, Lý được mời biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, với 3 đêm diễn liên tục cháy vé; rồi được mời tham gia diễn ở Festival Huế và tham gia lưu diễn trong chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam ơi tại Na Uy.
Báo chí gọi Lê Cát Trọng Lý là “hiện tượng” nhưng với cô: “Lý không coi nó là như thế. Lý chẳng có cảm giác gì cả, đơn giản vì đó là công việc, một công việc hằng ngày của mình”.
Nhạc sĩ Trần Tiến khá khắt khe khi nhận xét về Lý, sau khi ông nghe album Lê Cát Trọng Lý: “Nếu nhìn nhận Lý ở khía cạnh nhạc sĩ, bạn ấy xứng đáng được tôn vinh nhưng Lý không phải là một ca sĩ hay”. Lý cho rằng: “Đó là một nhận xét đúng từ góc độ của một “trưởng bối” rất nhiều kinh nghiệm lẫn học thuật trong âm nhạc. Lý hoàn toàn biết điều này và cũng chưa bao giờ Lý dám nhận mình là một ca sĩ hay thậm chí là một “nhạc sĩ”. Quả thực, trong đêm trao Giải Cống hiến vừa qua, được nghe chị Nguyên Thảo, anh Tùng Dương hát, lòng Lý cảm thấy rất sung sướng vì được nghe những giọng hát quá hay như vậy”.
Lê Cát Trọng Lý còn khoảng 5 năm nữa để hoàn thành kế hoạch của mình ở Nhạc viện TPHCM, còn sau đó thì chưa biết. Lý nói cô luôn cố gắng giữ mình không suy nghĩ về bất cứ sự thành công nào...
Bình luận (0)