Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của cả nước đến hết tháng 4-2025 hơn 128.512 tỉ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với tỉ lệ giải ngân cả nước trong 3 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân tháng 4 đã có kết quả tích cực hơn.

Các dự án giao thông quan trọng đang được đẩy nhanh tiến độ
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn chưa được giải quyết dứt điểm, nên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của 11 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải vẫn đang có tỉ lệ giải ngân thấp.
Các dự án này gồm: Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025; cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1; Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1; Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; Vành đai 3 – TP HCM; Đường Hồ Chí Minh; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Đến nay, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết toàn bộ 11 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải với tổng số vốn là hơn 87.533,1 tỉ đồng. Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, các địa phương, các chủ đầu tư đã nỗ lực cố gắng, chủ động triển khai, khắc phục các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.
Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các dự án này vẫn đang chậm. Tính đến hết ngày 31-3, tổng số vốn giải ngân của 11 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 4.812,7 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 5,5% kế hoạch được giao. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 3.950,3 tỉ đồng, đạt 5,3%; vốn ngân sách địa phương là 862,5 tỉ đồng, đạt 6,6%.
Đến hết 3 tháng đầu năm, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải tiếp tục thấp hơn so với tỉ lệ giải ngân bình quân của cả nước (9,72%). Các dự án này vẫn còn gặp các khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng. Do đó, cần tiếp tục tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó là một số khó khăn vướng mắc liên quan đến mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là thiếu nguồn vật liệu đắp nền trong một thời gian dài trước đây (đến nay đã được giải quyết), cùng với thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng đến tiến độ chung, nên một số dự án có nguy cơ không hoàn thành như kế hoạch đề ra.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, Bộ Tài chính đã đề xuất loạt giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn cả về thể chế lẫn thực thi. Trong đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản liên quan để hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư công. Qua đó, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thủ tục, đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các luật và các văn bản dưới luật.
Đồng thời, xây dựng cơ chế điều chỉnh kế hoạch đầu tư công linh hoạt trong năm, cho phép điều chuyển sớm vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân sang dự án có tiến độ tốt, đáp ứng đủ điều kiện.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị cho phép thanh toán tạm ứng đối với khối lượng chưa hoàn thành thủ tục đầu tư trong một số trường hợp đặc thù như: Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, lập quy hoạch, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí hỗ trợ ổn định đời sống người dân… Các khoản tạm ứng này sẽ được quyết toán sau khi hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định, nhằm tránh ách tắc vốn ở những bước đầu triển khai.
Cơ quan này kiến nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương trong việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư, điều chỉnh kế hoạch vốn... đồng thời siết chặt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện đầu tư công.
Bình luận (0)