Báo cáo Phát triển Bền vững thường niên của LHQ xếp hạng tính hiệu quả của 193 quốc gia thành viên trong việc đạt được 17 SDG vào năm 2030, trong đó có giải quyết tình trạng đói nghèo, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cung cấp năng lượng sạch…
Theo LHQ, việc thực hiện SDG hầu hết bị suy yếu do các yếu tố như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng khí hậu, căng thẳng địa chính trị, gánh nặng nợ... Tất cả điều này châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có, làm cản trở tiến bộ kinh tế trên toàn thế giới. Theo hãng tin Reuters, báo cáo còn kêu gọi các nước giải quyết tình trạng thiếu hụt kinh phí thường xuyên và cải tổ hệ thống của LHQ.
Ông Guillaume Lafortune, Phó chủ tịch Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của LHQ (SDSN) và là tác giả chính của báo cáo, cho rằng: "Điều mà báo cáo này cho thấy là ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, tiến triển cũng quá chậm". Việc giải quyết nạn đói, xây dựng thành phố bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học trên đất liền và trên biển được đánh giá là các lĩnh vực còn yếu kém.
Báo cáo cũng đánh giá các quốc gia về mức độ sẵn sàng hợp tác toàn cầu thông qua các tổ chức của LHQ. Đáng chú ý, Mỹ xếp ở vị trí cuối cùng. Ông Lafortune cho biết phần lớn quốc gia ủng hộ việc hợp tác nhưng có một số cường quốc không tuân thủ quy định chung.
Bình luận (0)