Đây là chia sẻ của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tại Hội nghị khu vực thường niên năm 2024 với chủ đề "ASEAN – Giao điểm hội nhập kinh tế thế giới" do Tập đoàn UOB tổ chức, ngày 6-9.
Sự kiện năm nay quy tụ hơn 600 khách mời là các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, đối tác thương mại từ các nước ASEAN, Hồng Kông (Trung Quốc)… cùng đại diện các cơ quan ban ngành của Việt Nam.
Ông Phan Văn Mãi khẳng định định hướng xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam và TP HCM đó là theo đuổi xu hướng hòa bình, hữu nghị và hội nhập cùng phát triển với các đối tác, dù bối cảnh thế giới, khu vực đang có nhiều chuyển động.
"TP HCM luôn sẵn sàng hợp tác và tạo những điều kiện để các đối tác triển khai kinh doanh thành công; chuẩn bị và kêu gọi các bạn đến đồng hành để cùng hợp tác, cùng có lợi" - Chủ tịch UBND TP nói.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết nền kinh tế trên thế giới, trong đó có 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, dân số hơn 4,8 tỉ người.
Theo lãnh đạo TP HCM, đây là một thị trường rất lớn để hoạch định chiến lược kinh doanh, chủ đề hôm nay là Việt Nam - cửa ngõ vào ASEAN, thị trường trọng tâm, điểm dừng đầu tiên.
"Chúng ta hoàn toàn tự tin, chúng ta có thể mở rộng thị trường thông qua các cơ chế liên kết thị trường như FTA vừa đề cập" - ông Phan Văn Mãi khẳng định.
TP HCM nói riêng và vùng Đông Nam Bộ chào đón nhiều hơn nữa các nhà đầu tư. Chính quyền TP HCM và tập đoàn UOB đã thống nhất là sẽ ký chiến lược hợp tác nhằm thu hút và hỗ trợ cho các nhà đầu tư vào thành phố và Đông Nam Bộ.
Ông Heng Koon How - Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore - dự báo mức tăng trưởng GDP tích cực đối với Việt Nam 6% cho năm 2024, phục hồi từ mức 5% trong năm 2023. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại ASEAN.
Về xu hướng kinh tế vĩ mô, Việt Nam đang dần chuyển đổi thành công từ nền kinh tế sản xuất chi phí thấp sang nền kinh tế theo hướng công nghệ có giá trị gia tăng cao hơn cũng như tập trung mạnh vào ngành dịch vụ, bán lẻ và du lịch.
"Dựa vào những yếu tố nền tảng mạnh mẽ dài hạn này, tỉ trọng kinh tế của Việt Nam trong tổng GDP của ASEAN đã tăng mạnh từ dưới 6% vào năm 2000 lên khoảng 12% hiện nay. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại và FDI trên khắp khu vực này" - ông Heng Koon How nói.
Bình luận (0)