Người viết có con học tiểu học, mới đây về nhà con kể rằng trong lớp có mấy bạn hút thuốc lá điện tử. Thoạt nghe dễ cho qua vì có thể đánh giá nhanh đó là kiểu hành vi tò mò của con nít. Tuy nhiên, nghĩ thấu đáo, việc học sinh cấp I đã học đòi, tiếp cận thuốc lá điện tử, khả năng cao dẫn đến nguy cơ các cháu hình thành phản xạ, thói quen hút thuốc lá.
Tại mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) mới đây, lãnh đạo Bộ Y tế bày tỏ lo ngại về thành quả công cuộc phòng chống tác hại của thuốc lá khi tỉ lệ thanh thiếu niên hút thuốc lá đã giảm song tỉ lệ hút thuốc lá điện tử lại gia tăng. Cụ thể, việc hút này ở nhóm tuổi 13 - 15 tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Chưa thấy có khảo sát, thống kê về thực trạng thuốc lá điện tử xâm lấn vào trường tiểu học. Một lớp ở một trường tiểu học có học trò hút thuốc lá điện tử, không đại diện cho thực trạng chung. Nhưng không chắc đây là trường hợp đơn lẻ. Trong khi đó, lứa tuổi nhỏ chưa đủ nhận thức, trải nghiệm để gạn lọc giữa quá nhiều va chạm tốt lẫn vào với xấu trong đời sống hiện đại. Khi bắt chước, chuyền tay nhau bập phà điếu thuốc lá điện tử vì thấy nó thơm, không khét mù như thuốc lá mà người lớn hút, trong đầu các cháu chưa nghĩ tới tác hại, nguy hiểm của việc mình đang làm.
Cũng cần biết về sự độc hại của thuốc lá điện tử. Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Reports mới đây cho thấy thuốc lá điện tử chứa đến 127 loại hóa chất cực kỳ độc hại, 153 loại gây nguy hiểm cho sức khỏe và 225 loại gây kích ứng. Những con số nghiên cứu khoa học đủ gây sợ hãi, rợn người. Còn trên thực tế, theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2023 có 1.224 ca nhập viện do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Khác với thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử được tẩm chứa hóa chất, nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Ngọn khói ma mị của loại thuốc này thừa ma lực dẫn lối đến con đường đáng sợ hơn là việc lạm dụng các loại ma túy thế hệ mới, mà trước đó có thể chúng đã được ngầm mồi trong điếu thuốc.
Biến tướng của chất gây nghiện này làm nóng nghị trường kỳ họp thứ 7, Quốc hội XV đang diễn ra khi đại biểu Quốc hội đề nghị cấm thuốc lá điện tử vì đã có nhiều học sinh sốc thuốc phải cấp cứu, suýt tử vong. Trước đó, trong phiên giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các đại biểu yêu cầu Bộ Y tế làm rõ mức độ tác hại của sản phẩm trên cơ sở khoa học để cấm hoặc đưa vào quản lý.
Thuốc lá điện tử là loại hình mới xuất hiện, cấm tuyệt đối hay khuôn nó vào các quy định để giám sát đều cần phải có bước điều chỉnh Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trước khi các vấn đề liên quan được luật hóa, thì gia đình, nhà trường và cộng đồng cũng đã đủ cơ sở, thẩm quyền và trách nhiệm để quan tâm, giám sát, ngăn chặn tác hại của thuốc lá điện tử đối với trẻ em. Bởi không thể ưa nổi hình ảnh học trò phì phèo khói trắng nếu không muốn nói sức khỏe của thế hệ tương lai, giống nòi bị hàng trăm chất độc phá hại tàn đời.
Bình luận (0)