Khi cả vũ trụ bừng tỉnh sau ngày đông xám giá buốt, khoác chiếc áo muôn màu tươi sắc cho thiên nhiên cũng là lúc chúng ta được mời gọi bước lên chuyến tàu cảm xúc, tìm về chính mình để hướng đến tương lai. Với bao thế hệ người Việt, Tết đến xuân về luôn là cột mốc quan trọng trong tâm thức, dẫu cuộc sống hiện đại ngày càng đổi thay với các lễ hội hay văn hóa du nhập từ xứ khác. Làn sóng toàn cầu hóa có thể làm nhiều phong tục cổ truyền ít nhiều phai nhạt nhưng cái Tết thiêng liêng, đậm đà bản sắc dân tộc mãi có vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng.
Tôi nhận thức về sự đặc biệt của Tết ngay từ bé. Trong suy nghĩ thơ ngây lúc ấy, tôi nhận ra đó là dịp duy nhất bọn trẻ con được... nhận tiền một cách chính thức mà không phải lo sợ hay nghĩ ra lý do nào đó để xin tiền cha mẹ. Số tiền lì xì sau khi được trích ra "đầu tư" cho các loại đồ chơi mà mọi khi thường bị cho là xa xỉ (như một chiếc máy điện tử cầm tay - niềm mơ ước của nhiều bạn nhỏ thập niên 1990) thì sẽ được cha mẹ "giữ giùm" phần còn lại. Thuở ấu thơ, tôi thi thoảng... giấu bớt một ít tiền mừng tuổi cất vào hộc bí mật ở ngăn kéo đầu giường trước khi "giao nộp". Thật ra, cũng không có ý đồ gì "gian trá", tôi để dành tiền cho các tình huống "bất trắc" như đánh mất hay làm hỏng sách vở, dụng cụ học tập... mà không phải xin tiền người lớn và nghe phê bình sự hậu đậu của mình. Sau này hàn huyên chuyện Tết nhất với bạn bè thì càng thích thú biết mình không phải là cá biệt. Bấy giờ, đa số gia đình đông con, chính sự nghiêm khắc của người lớn trong cách giáo dục con cái về chuyện chi tiêu, hiểu đúng giá trị đồng tiền... đã giúp những cô bé, cậu bé sớm có thói quen tiết kiệm. Nhờ vậy, góp phần hình thành tầm nhìn và tư duy chặt chẽ trong việc quản lý tài chính, sử dụng các nguồn lực hiệu quả khi trưởng thành.
Hoài niệm về Tết với ai thuộc lứa 8x trở về trước như chúng tôi còn có dấu ấn của một thứ có thể cảm nhận bằng nhiều giác quan: nghe âm thanh, hình dung được mùi, ngắm hình dạng và sắc màu, đó là pháo. Pháo nổ rộn ràng từ thời khắc giao thừa đến sáng mùng một và cả mấy hôm sau. Từ năm 1994, ở Việt Nam, Chính phủ đã cấm sản xuất, vận chuyển và đốt các loại pháo khi có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra vì đốt pháo. Đây là một chủ trương đúng đắn bởi không có gì quan trọng hơn tính mạng, sức khỏe và sự an toàn của con người. Sau này, thị trường cung cấp pháo hoa điện tử chạy bằng pin, dây đèn led pháo hoa... cũng giòn tan tiếng nổ, lấp lánh vui mắt.
Niềm hạnh phúc thân thương của tôi còn là được đi xông nhà, chúc Tết. Mạng xã hội giờ phủ sóng nơi nơi, đủ thứ kiểu lời nhắn, thiệp điện tử sinh động với các hiệu ứng biến hóa thu hút thị giác gói gọn trong màn hình thiết bị di động. Tuy vậy, những gặp gỡ, ước hẹn... ngày Tết vẫn đầy xúc động. Vị khách đầu tiên đến thăm nhà với vận khí tốt được tin là mang lại sự cát tường, hanh thông cho gia chủ. Tôi nhớ nhất những Tết vinh dự được là người xông nhà của gia đình, họ hàng, thân hữu vì có "tuổi đẹp", hợp con giáp năm ấy. Có lẽ chính việc mang lại cho nhau nguồn năng lượng tích cực, hòa ái, những yêu thương, trân trọng cũng giúp ích cho tinh thần mọi người, làm nên sự khởi đầu thuận lợi cho năm mới.
Rồi mùa xuân xa nhà, tạm biệt những điều thân thuộc, tôi đến nơi cách quê hương nửa vòng trái đất, bên kia bán cầu, hằng ngày sinh hoạt theo một múi giờ khác, nói thứ ngôn ngữ khác. Hai năm xa quê đón Tết trong tiết trời âm 10 độ C. Chẳng phải nắng ấm phương Nam mai vàng khoe sắc, chẳng phải gió mùa rét khô ngày xuân miền Bắc, tôi đón Tết với bao hạt tuyết giá lạnh. May thay, những cuộc video call kéo dài giữa giao thừa tại Việt Nam và giờ ăn trưa tại Mỹ chuyển tải sự thăm hỏi, động viên ân cần đã cho tôi thêm hơi ấm và sức mạnh.
Tôi thấm thía hơn bao giờ hết bài học: có đi xa mới có trở về, có thiếu thốn càng biết yêu quý, nâng niu và gìn giữ, phát huy bản sắc Việt nơi phương trời xa. Cộng đồng du học sinh Việt chung sức tạo nên cái Tết đầy phong vị với đủ món ăn truyền thống được nấu từ các nguyên liệu mua ở chợ châu Á. Chúng tôi sớt chia hương xuân khi tự tay trang trí không gian, trao nhau lời chúc tụng, tặng nhau khúc ca, tiếng đàn trong buổi quây quần hiếm quý trùng hợp ngay giai đoạn thi cử căng thẳng. Sau khi tập trung gói bánh chưng lại phải chia nhau về luộc. Một phần vì chẳng dễ kiếm được nồi và bếp to mà luật lệ ở đây cũng chẳng cho phép chuyện nổi lửa củi tại công viên. Tết xứ người, bạn trẻ vẫn xúng xính tà áo dài, trao nhau phong bao đỏ may mắn, nghe tận đáy tâm can mình dội lên nỗi thương nhớ quê nhà khôn nguôi và niềm tự hào: Tôi - người Việt Nam.
Về sau, hành trình du xuân của tôi đã trải dài khắp nhiều châu lục. Tôi được ngắm mùa xuân ở Hàn Quốc, trải nghiệm lễ hội hoa anh đào Nhật Bản, đi sắm Tết tại chợ Đồng Xuân ở Berlin, hòa mình vào không khí Tết ở Chinatown New York, đón lễ hội mùa xuân tại Washington D.C với sắc hồng ngợp trời. Thời gian là con đường một chiều chẳng bao giờ có thể quay trở lại, tôi biết còn bao nhiêu điều mới mẻ để học hỏi, những miền đất mới để khám phá.
Thêm một mùa xuân nữa lại về, thêm một mùa của hy vọng, thứ tha, mơ mộng. Mùa của hội ngộ, của thấu cảm. Xuân chẳng của riêng ai, hãy để tâm hồn rộng mở chào đón xuân thắp sáng bao nguyện ước chân thành. Xuân là bến bờ cho bao người con khắp chốn quay về, một lần nữa bé lại trong vòng tay mẹ cha. Xuân chộn rộn những sắp bày, chuẩn bị, nào chợ Tết, bánh trái, hoa lá, cỏ cây, nào áo mới, môi son, má thắm, miệng cười... Những gì đẹp đẽ, ngọt ngào nhất, thôi không để dành nữa, xin dùng hết để tô điểm cho mùa xuân thêm rạng ngời. Yêu xuân để càng thương tha nhân, để bao dung, nhẫn nại và tinh tế hơn với cuộc đời.
Càng đi xa hiểu nhiều, trái tim càng in sâu niềm tri ân mãnh liệt với nguồn cội và tình thân. Tôi biết ơn cả mùa xuân, vì xuân cho tôi đợi mong, xuân cho tôi được lắng lòng và tỏ bày niềm yêu đời, yêu người tha thiết. Cảm ơn xuân, cảm ơn Tết vì tất cả những giá trị bất biến, như món quà vô giá mãi vẹn nguyên ý nghĩa đáng quý mà mỗi năm chúng ta lại hân hoan lần giở. Và cảm ơn, ta được đón thêm một mùa xuân trong đời.
Điều kỳ diệu mà mùa xuân mang đến, không chỉ là sức sống mới căng tràn mà còn nhắc nhớ ta bao thông điệp tốt đẹp, để tri ân và thắp lên bao ước mong, khát vọng.
Bình luận (0)