Bán hàng trên mạng xã hội (MXH) là xu thế chung khi công nghệ ngày càng phát triển. Tuy nhiên, cần có chế tài quản lý chặt chẽ hoạt động livestream, quảng cáo đối với thuốc, do đây là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Rủi ro từ quầy thuốc online
Vốn bị bệnh xương khớp, tiểu đường, mất ngủ do tiểu đêm ông Đ.V.T. (72 tuổi, ở Hà Nội) phải tái khám thường xuyên. Cách đây không lâu, sau xem các quảng cáo trên MXH về một "loại thuốc gia truyền ba đời, chỉ uống một liệu trình sẽ khỏi", ông T. đã đặt câu hỏi dưới phần bình luận. Ngay sau đó, một người tự xưng dược sĩ xin số điện thoại, gọi điện tư vấn cho ông T. về liệu trình điều trị. Sau 20 phút được tư vấn, ông T. có cảm giác như được "bác sĩ" bắt trúng bệnh nên tin tưởng mua nửa liệu trình với 10 hộp thuốc trị giá 4.499.000 đồng để điều trị giảm đau nhức xương khớp, hạ đường huyết. Tuy nhiên, chưa uống hết 2 lọ ông T. đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, vàng da, men gan cao.
Trước đó, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu cho nam bệnh nhân 63 tuổi sau khi uống thuốc trị tiểu đường mua trên mạng. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, xét nghiệm loại thuốc bệnh nhân uống đã tìm thấy thành phần thuốc là phenformin. Đây là loại thuốc chữa đái tháo đường cũ, vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng cách đây hơn 50 năm.
Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Tuy nhiên, hiện nay thuốc chữa bệnh được bán tràn lan trên mạng. Đơn cử như thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, giảm buồn ngủ Ritalin, Modafinil là nhóm thuốc phải kê đơn nhưng thực tế thuốc này được bán tràn lan. Nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên hay người mất ngủ lạm dụng và sử dụng như một loại thuốc uống hằng ngày để cải thiện trí nhớ, tăng cường khả năng tập trung.
PGS-TS Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết trong quá trình thăm khám bác sĩ đã xử lý nhiều trường hợp bệnh nhân dùng thuốc không đúng chỉ định, tự ý mua thuốc trên MXH. Có những trường hợp bệnh nhân điều trị tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim, suy thận qua mạng và thuốc được gửi thông qua bên giao hàng. Qua khai thác các bệnh nhân này cho biết trên mạng đều có "dược sĩ", "bác sĩ" tư vấn và những trang bán hàng bệnh gì cũng chữa được. Theo PGS Tùng thuốc chữa bệnh là mặt hàng đặc biệt và việc mua bán qua mạng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro như: không kiểm soát được nguồn gốc thuốc, thuốc giả, không đúng chỉ định của thuốc… Điều này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân, gây ra các biến chứng hay hậu quả khó lường. Đó là chưa kể thuốc mua trên mạng hay sàn giao dịch điện tử rất khó kiểm soát được nguồn gốc cũng như chất lượng thuốc, nhiều thuốc giả được quảng cáo thổi phồng công dụng, sai chỉ định làm mất "thời gian vàng" điều trị của bệnh.
Chỉ cho bán thuốc trong danh mục
Ngày 17-6, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Dự luật bổ sung quy định kinh doanh các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), ứng dụng TMĐT bán hàng, website TMĐT bán hàng. Cơ sở kinh doanh dược được đăng tải các thông tin của thuốc phù hợp với quy định về thông tin thuốc và quảng cáo thuốc trên phương tiện kinh doanh TMĐT. Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp, trung thực của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền. Dự luật đề xuất không được kinh doanh dược trên MXH và các hình thức kinh doanh điện tử khác. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội cho biết có hai luồng ý kiến về thuốc bán lẻ theo phương thức TMĐT. Nhóm thứ nhất đề nghị chỉ áp dụng với thuốc không kê đơn, thuốc không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc. Nhóm thứ hai đề nghị không ghi cụ thể mà giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định để bảo đảm linh hoạt, đáp ứng với sự thay đổi của khoa học kỹ thuật. Đa số ý kiến thống nhất loại ý kiến thứ nhất, bởi thuốc là mặt hàng đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người dân.
Nhiều chuyên gia cho rằng trước sự phát triển của hệ thống TMĐT và thói quen mua sắm online thì việc bán thuốc, các sản phẩm liên quan đến sức khỏe không thể đứng ngoài xu thế này. Hiện nay, việc cá nhân và nhà thuốc bán thuốc có được bán thuốc online hay không chưa được quy định cụ thể. Do đó, sự ra đời của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược được kỳ vọng giải quyết những "nút thắt" trong loại hình kinh doanh thuốc này.
Liên quan đến đề xuất cấm mua bán thuốc qua MXH, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn đã được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh; song pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể với hình thức bán hàng này. Thuốc là mặt hàng kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, được quản lý chặt chẽ bởi Bộ Y tế. Hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe. Để quản lý việc bán thuốc trên mạng, ông Cường cho rằng cần liên thông kết nối các hệ thống từ người kê đơn đến người bán thuốc; đồng thời có chế tài phạt nặng người bán thuốc trong danh mục kê đơn mà không có đơn thuốc của bác sĩ qua hệ thống phần mềm.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chỉ cho bán thuốc trên mạng đối với những thuốc trong danh mục được phép bán không kê đơn (OTC) và thực phẩm chức năng. Các cá nhân không được phép livestream, quảng cáo bán thuốc kê đơn trên các nền tảng MXH.
Cần người dân chung tay ngăn chặn
Theo Sở Y tế TP HCM, hình thức bán thuốc, thực phẩm chức năng trên các nền tảng mạng xã hội và livestream ngày nay khá phổ biến. Thậm chí, có công ty dược phẩm tổ chức phiên livestream bán hàng trên MXH thu hút hàng triệu lượt xem, bán được hàng ngàn sản phẩm. Sở sẽ tăng cường, thường xuyên theo dõi việc quảng cáo, kinh doanh thuốc trên các kênh thông tin điện tử. Đồng thời, kêu gọi người dân khi phát hiện đơn vị, cơ sở nào kinh doanh thuốc qua mạng, thuốc không rõ nguồn gốc hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể báo lên ứng dụng y tế trực tuyến hoặc đường dây nóng của Sở Y tế để xử lý.
H.Yến
Nhiều nước phạt nặng, khóa trang web vi phạm
Việc bán thuốc, dược phẩm qua mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng, do đó nhiều quốc gia đã ban hành quy định cấm và áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm ngặt. Tại Singapore, New Zealand, Canada, Mỹ, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội (SMSP) gỡ bỏ các trang web hoặc tài khoản vi phạm quy định về bán thuốc. Hành vi vi phạm có thể bị phạt tới 50.000 SGD (khoảng 940 triệu đồng) ở Singapore, 50.000 NZD (khoảng 779 triệu đồng) ở New Zealand, 500.000 CAD (khoảng 9,3 tỉ đồng) ở Canada và 1 triệu USD (khoảng 25,5 tỉ đồng) ở Mỹ. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm có thể bị truy tố hình sự và chịu án tù tới 12 tháng tù (Singapore), 5 năm tù (New Zealand), 3 năm (Canada), 10 năm tù (Mỹ). Ngoài ra, các quốc gia này còn yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội xác minh danh tính người bán thuốc, gỡ bỏ quảng cáo sai lệch và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về nguy cơ khi mua thuốc qua mạng.
X.Mai
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn tỉnh Bình Định):
Quy định rõ trách nhiệm Bộ Y tế
Quản lý quảng cáo được rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng riêng đối với thuốc, cần quy định rõ trách nhiệm Bộ Y tế. Đề nghị ghi rõ trong dự thảo Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên MXH; cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết để phòng tránh. Đây là vấn đề nổi trội, cần đưa vào luật để tránh tình trạng bán các thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên MXH. Về việc mua thuốc theo đơn của bác sĩ qua online, vừa qua Ủy ban Xã hội không ủng hộ ý kiến này mà chỉ cho phép mua tại nhà thực phẩm chức năng. Dù quy định cấm nhưng rất nhiều nhà thuốc đang bán theo hình thức này. Vì vậy, nếu cấm một cách cơ học, không có giải pháp phù hợp sẽ đẩy người dân vào câu chuyện vi phạm pháp luật. Cần cho phép thực hiện nhưng phải quy định rõ ràng và nên bắt đầu từ nhà thuốc các bệnh viện. Quy định nhà thuốc bệnh viện có bệnh án điện tử, có khám chữa bệnh từ xa thì có thể chuyển thuốc đến tận nhà.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức (đoàn TP HCM):
Mua qua mạng: Quá nguy hiểm!
Tôi không ủng hộ bán thuốc qua MXH. Việc bán thuốc qua mạng "nghe rất hiện đại nhưng cực kỳ nguy hiểm". Ví dụ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, do bệnh nhân chờ nhận thuốc bảo hiểm y tế quá lâu, có khi tới 5 đến 6 ngày, bệnh viện đã có sáng kiến chuyển thuốc tới tận nhà cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi triển khai, chưa nói tới chuyện vận chuyển trong thời tiết mưa gió, đã có trường hợp người giao thuốc đổi thuốc của bệnh nhân, thuốc xịn bị đổi thành loại thuốc cùng hoạt chất nhưng giá thành rẻ hơn. Sau một tuần, bệnh viện đã phải dừng ngay việc này.
BSCK2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP HCM):
Phải có quy trình quản lý nghiêm ngặt
Thuốc là mặt hàng đặc biệt nên các khâu từ sản xuất, bảo quản, vận chuyển, lưu kho… đến khi tới tay người tiêu dùng cần phải qua quy trình nghiêm ngặt. Thuốc phải được quản lý đúng quy định, bảo quản trong điều kiện môi trường phù hợp, không để bị hư, giảm tác dụng trị bệnh. Hiện hệ thống nhà thuốc của bệnh viện, nhà thuốc tư nhân, trạm y tế rộng khắp, nhân viên y tế, dược sĩ có chuyên môn, chứng chỉ hành nghề về dược nên việc bảo quản, vận hành được bảo đảm. Thêm kênh bán thuốc qua mạng, thì liệu cơ quan chức năng có kiểm soát nổi hay không?
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi Hội Truyền nhiễm TP HCM:
Người bệnh phải sáng suốt
Thuốc phải được bác sĩ kê đơn, chỉ định. Vì vậy, việc buôn bán trên MXH khiến các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Người bán cũng không thể biết được tình trạng của người bệnh, Phải định nghĩa sự khác biệt giữa thuốc bán trên sàn TMĐT với MXH. Bán qua trang TMĐT cũng cần có sự kiểm soát, kiểm định thuốc. Người bệnh khi mua thuốc online cần sử dụng phải sáng suốt.
H.Thanh - Ng.Thạnh - H.Yến ghi
Bình luận (0)