1. Không sấy khô và lau chùi sau khi máy tiếp xúc nước hoặc môi trường ẩm
Cho dù đang sở hữu một chiếc máy ảnh đắt tiền có tính năng chống chịu thời tiết hay bụi bẩn đi chăng nữa, bạn cũng phải nên hong khô và lau chùi càng sớm càng tốt. Để vệ sinh máy, hãy dùng một tấm vải mềm để lau khô máy, sau đó dùng cọ quét bụi chuyên dụng hoặc vải khô để tiếp tục lau chùi những bụi bẩn còn bám bên trong máy.
Bên cạnh đó, cần chú ý khi sử dụng máy ở bãi biển, vì đây là môi trường có nhiều cát và muối có thể làm xước cảm biến cũng như ăn mòn linh kiện bên trong máy. Để vệ sinh máy trong trường hợp này, cần phải làm khô bên trong máy, sau đó lau lại thân máy và vỏ ống kính bằng tấm vải ướt nhằm loại bỏ muối còn bám lại.
Ngoài ra, do cát có khả năng làm xước cảm biến và gương lật nên hạn chế dùng vải chùi vì có thể sẽ vô ý làm tổn hại đến những bộ phận này của máy. Tốt nhất hãy trang bị thêm một bóng thổi hoặc bình thổi khí nhằm thổi cát bay ra khỏi thân máy mà không phải làm xước gương hoặc cảm biến.
2. Không tự động vệ sinh cảm biến bên trong máy bằng tính năng có sẵn
Các máy ảnh gương lật và máy compact hiện nay đều có cơ chế vệ sinh bằng cách rung cho bụi trên cảm biến rớt xuống. Một số camera cho phép người dùng tùy chỉnh cơ chế vệ sinh này sẽ diễn ra vào lúc vừa bật máy lên hay trước khi tắt máy.
3. Dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh để xóa các vết bụi trong ảnh thay vì vệ sinh cảm biến
Một trong những lỗi phổ biến của người chụp ảnh là lười vệ sinh cảm biến, và khi ảnh có những chấm hột bụi, họ sẽ dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh để xóa các vết này đi. Tuy nhiên, đây là một thói quen xấu và thay vì tốn thời gian để làm những việc đó, hãy chăm vệ sinh máy móc của mình hơn.
4. Vệ sinh máy trong môi trường bụi bặm
Nếu đem máy ra vệ sinh tại một nơi bụi bặm, máy bạn chẳng thể nào sạch hơn mà thậm chí còn có thể mang thêm bụi vào. Thường ở các dịch vụ vệ sinh máy chuyên nghiệp, họ sẽ thao tác trong môi trường sạch bụi hoặc thậm chí cả ở những buồng có máy hút bụi để luôn giữ không gian xung quanh luôn sạch sẽ.
Tuy nhiên nếu vệ sinh tại nhà, không hẳn bạn cần phải có cả một "hệ thống hút bụi" như vậy, chỉ cần lưu ý đến không gian xung quanh, nếu phòng quá bụi thì tốt nhất không nên thực hiện việc vệ sinh máy. Ngoài ra, không nên lau chùi cảm biến khi đang ở ngoài trời hoặc khi vừa mới hút bụi thảm trong nhà xong, vì rất có thể vẫn còn nhiều bụi bẩn đang bay lơ lửng trong phòng nhà bạn.
Ngoài ra, phòng tắm cũng có thể là nơi lý tưởng để vệ sinh máy, vì sau khi tắm xong những hơi nước đã "lôi kéo" bụi bẩn đi mất khỏi không khí.
5. Dùng miệng thổi bụi bám trên cảm biến
Khi tháo ống kính ra khỏi thân máy và bất ngờ phát hiện một ít bụi bẩn đang bám trên cảm biến, đa phần người dùng sẽ có thói quen dùng miệng thổi hơi vào cảm biến để đẩy hạt bụi cứng đầu ấy ra.
Tuy nhiên, cách làm này đôi khi lại gây hại thêm vì rất có thể nước bọt của bạn sẽ văng vào cảm và kết quả là tạo thêm một vết bẩn khác cần lau chùi. Để tránh tình trạng này, hãy luôn mang theo bóng thổi bên mình để có thể thổi bụi khi cần thiết.
6. Sử dụng bộ vệ sinh rẻ tiền
Việc vệ sinh cảm biến cũng khá đơn giản chỉ với một cây tăm bông và dung dịch vệ sinh, tuy nhiên đừng quá tiết kiệm mà mua những loại rẻ tiền vì không những chúng không giúp đẩy sạch bụi bẩn mà lại càng mang thêm rắc rối.
Những vật dụng vệ sinh tốt thường sẽ đắt hơn vì chúng được làm từ những vật liệu tốt không gây trầy xước cũng như được làm và đóng gói trong môi trường không bụi nên sẽ không vấy bụi lên cảm biến của máy.
Lưu ý khi vệ sinh cần tránh dùng tay chạm vào bề mặt tiếp xúc vì có khả năng bạn sẽ tạo thêm bụi bẩn vào bên trong cảm biến.
7. Bỏ qua việc vệ sinh mặt sau của ống kính, kính ngắm và gương lật
Bên cạnh việc vệ sinh thân máy, mặt trước ống kính, cảm biến, hãy chú ý đến những bộ phận khác vì chúng cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng ảnh cũng như thao tác chụp ảnh của bạn. Việc kính ngắm bị bụi bẩn sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh nhưng sẽ khiến góc nhìn của bạn bị khó chịu và nếu để ẩm lâu có khả năng bị tình trạng ố hoặc mốc.
Bình luận (0)