Liên tiếp trong những ngày qua, các Canonian đều phát sốt với những thông tin nửa kín nửa hở của Canon, khi họ tuyên bố sẽ phát hành ống kính USM 200-400 mm IS f/4 L có tích hợp ống nhân 1.4 trong khoảng giữa năm 2011, kèm theo là việc Canon Nhật Bản cũng đã nộp bằng sáng chế bản quyền ống kính có tiêu cự 300 mm IS L II cũng f/4.
Một phóng viên ảnh sử dụng ống kính Nikon 200-300 f4 tại giải bóng chày Úc - Ảnh: AP
Cải tiến thân máy
Thực ra, chiếc ống kính có tiêu cự 200-400 mm với f/4 không phải là bản mới, khi mà đối thủ chính của Canon là Nikon đã cho ra đời dòng sản phẩm này đến dòng nâng cấp II vào giữa năm 2010, sau khi chiếc đầu tiên ra đời cách đây hơn 4 năm. Ngoài ra, việc nâng cấp chiếc ống kính 300 mm f/4 IS lên cấp II, sau khi nâng cấp chiếc này lên IS (chống rung) vào năm 1997 cũng là việc đáng quan tâm. Thế nhưng đây không là việc bất ngờ, bởi trước đó, hàng loạt cải tiến trên thân máy (body camera) ở các dòng 5D, EOS 1D và 7D đã khiến độ nhạy sáng (ISO) tăng lên rất nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc trong điều kiện ánh sáng không tốt, máy ảnh vẫn có thể thực hiện được những tấm ảnh tương đối đạt chuẩn ánh sáng mà không cần sử dụng những ống kính có khẩu độ (f) lớn từ 2.8 trở lên, vốn khá đắt tiền và nặng nề. Hay khi Nikon cho ra đời dòng máy D3 với chất lượng khử nhiễu ánh sáng tuyệt vời (độ noise) với việc cải thiện độ nhạy sáng (ISO), chiếc ống kính 200-400 mm f/4 của hãng này trở nên thân thiết với giới chụp ảnh, khi mà họ phần nào có được sự đa năng từ dòng kính này nhưng lại không tốn nhiều hầu bao, lại không phải mang vác nặng khi đi xa.
Hướng đến việc đa năng
Nói như vậy không có nghĩa những ống kính có khẩu độ từ 2.8 đến 1.0 đều lăn ra chết yểu. Bởi những chiếc ống kính này luôn có giá trị vì độ mở sáng tuyệt vời, đôi khi không cần dùng đèn Flash vẫn có thể cho ra tấm ảnh chất lượng cao.
Ống kính EF 200-400 f4L IS USM Extender 1.4 - Ảnh Dpreview.com
Ngay khi chiếc ống kính 24-105 mm IS L f/4 của Canon xuất hiện, chiếc ống kính 24-70 mm f/2.8 ra đời cùng thời vẫn là niềm mơ ước của dân chụp ảnh, dù chiếc ống kính này nặng và đắt hơn rất nhiều. Điều dễ hiểu nhất là với các môn thể thao trong nhà hay những sự kiện không được sử dụng đèn Flash, chỉ cần thao tác tăng độ nhạy sáng cùng chiếc ống kính khẩu 4, người chụp ảnh vẫn có thể cho ra một sản phẩm tốt. Không thua kém Canon, Nikon cũng trình làng ngay chiếc ống kính AF-S 24-120 mm f/4G ED VR đa dụng một khẩu độ lý tưởng cho hệ máy ảnh full-frame vào cuối năm 2010.
Cuộc cách mạng khẩu 4 chính là hướng đến phân khúc thị trường dành cho giới bình dân, cùng giới phóng viên, bởi sự đa năng và nhu cầu không ngừng cải tạo chất lượng ảnh, nhưng chi phí lại có hạng. Ngay tại vòng chung kết giải quần vợt Úc mở rộng 2011, hơn 90% tay máy đã biết đến chiếc ống kính 200-400 mm f/4 của Nikon, và phân nửa trong số đó đã lựa chọn sử dụng chiếc ống kính này.
Có thể bạn chưa biết Khẩu độ, nói đơn giản chính là độ mở sáng của chiếc ống kính. Cơ cấu chỉnh khẩu độ chính là một loại van tiết lưu ánh sáng đặt trong ống kính, cấu tạo bởi các lá thép mỏng chồng so le với nhau, ở giữa mở ra một lỗ tròn đồng tâm với các thấu kính. Các cánh thép này có thể trượt trên nhau khi ta điều chỉnh để tạo ra độ mở lớn hay nhỏ cho ánh sáng đi qua. Hoạt động bóp nhỏ/mở rộng khẩu độ của ống kính giống như sự điều tiết của con ngươi mắt. Độ mở lớn hay nhỏ sẽ cho ánh sáng đi vào phim hay CCD (của máy ảnh số) nhiều hay ít. Trị số khẩu độ được sắp xếp theo chuỗi lớn dần gọi là f-number. Độ mở ống kính là giá trị được xác định bởi độ dài tiêu cự (bằng khoảng cách từ tâm ống kính tới mặt phim hay CCD) của nó với đường kính lỗ xuyên sáng do các lá thép mở ra. |
Bình luận (0)