Chiều 17-4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM họp báo cung cấp các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Tại buổi họp báo, phóng viên Báo Người Lao Động đã đặt câu hỏi đối với Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM liên quan đến việc hợp nhất 3 tỉnh: TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cụ thể, hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức TP HCM được hưởng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội. Vậy, khi hợp nhất, cán bộ, công chức, viên chức 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa- Vũng Tàu có được hưởng thu nhập tăng thêm không?

Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Võ Ngọc Quốc Thuận trả lời phóng viên tại buổi họp báo chiều 17-4; Ảnh: NGUYỄN PHAN
Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Võ Ngọc Quốc Thuận cho biết vấn đề này sẽ xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM.
Trước đó, tại hội nghị lần thứ 39 (hội nghị chuyên đề), Thành ủy TP HCM đã thống nhất thông qua dự thảo Đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Tại đề án này, thành phố có kiến nghị Trung ương xem xét, chấp thuận tiếp tục thực hiện Nghị quyết 98/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển áp dụng cho TP HCM sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2030.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ, dự kiến TP HCM giảm từ 273 xã, phường, thị trấn xuống còn 102 phường, xã.
Tỉnh Bình Dương dự kiến sắp xếp giảm từ 91 phường, xã, thị trấn xuống còn 36 phường, xã; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm từ 77 phường, xã còn 30 phường, xã, đặc khu.
Sau khi sắp xếp TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM mới sẽ có 168 đơn vị hành chính cơ sở (phường, xã, đặc khu).
Theo quy định, mỗi đơn vị hành chính cấp xã có 60 biên chế, trong đó chính quyền 32 biên chế, đảng – đoàn thể 28 biên chế.
"Tuần qua, Ban Tổ chức Thành ủy, tỉnh ủy, Sở Nội vụ của 3 địa phương đã ngồi lại và thống nhất nhiều vấn đề. Trong đó, 3 tỉnh, thành đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc sắp xếp đơn vị hành chính, giải quyết các vấn đề về chồng lấn ranh" - ông Võ Ngọc Quốc Thuận thông tin.
TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã thống nhất tên gọi của 168 đơn vị hành chính phường, xã để tránh trùng lặp. Ngoài ra, bản đồ TP HCM mới sau sáp nhập cũng được thống nhất để trình Bộ Nội vụ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Quốc hội quyết định thông qua.
TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu cũng phối hợp, trao đổi, thông tin, gắn kết trong việc xây dựng nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đề xuất phương án sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở hành chính, nguồn nhân lực.
Trụ sở chính trị - hành chính của đơn vị hành chính mới sẽ đặt tại TP HCM và có thêm 2 cơ sở tại tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cụ thể, Trung tâm hành chính - chính trị của TP HCM: 86 Lê Thánh Tôn, quận 1; Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, đường Lê Lợi, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một (cơ sở 2); Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số 01 đường Phạm Văn Đồng, phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa (cơ sở 3).
Việc này nhằm ổn định bộ máy thời kỳ đầu sắp xếp. Sau đó, trong quá trình thực hiện, các cơ quan sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương án phù hợp.
Bình luận (0)